"Quận 3" ngày ấy…bây giờ
Ký ức 25 năm
(Cadn.com.vn) - Dễ chừng cũng đã gần tròn 25 năm, hồi tôi mới chân ướt chân ráo rời Trường Đại học Tổng hợp Huế về xin làm cộng tác viên thường xuyên ở Báo Công an Quảng Nam- Đà Nẵng vào năm 1990. (Bây giờ là Báo CATP Đà Nẵng). Tôi ở nhờ nhà bà dì ruột trú tại P. Bắc Mỹ An. Tiếng là một phường thuộc “quận 3”, thành phố Đà Nẵng (cũ) nhưng nhà không số, phố không tên, đường không điện, quanh năm hắt hiu với ngọn đèn dầu tù mù.
Ký ức trong tôi về “quận 3” ngày ấy là những làng chài nghèo heo hút Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông và những phường An Hải Đông, An Hải Tây, Bắc Mỹ An nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp quanh năm đầu tắt mặt tối. Ở giữa lòng Đà Nẵng thành phố hẳn hoi nhưng mỗi lần qua trung tâm thành phố, người quận 3 đều bảo là đi qua... Đà Nẵng.
Bởi vậy, ở Đà Nẵng một thời truyền miệng câu ví von thú vị:“Con gái quận 3 không bằng bà già quận nhất”. Những năm sau ngày quê hương giải phóng và nhiều năm sau đó, nhất là thời kỳ bao cấp, quận 3 chỉ có 8 phường ven đô gồm: Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, An Hải Bắc, An Hải Đông, An Hải Tây, Bắc Mỹ An, đời sống nhân dân chủ yếu là dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp, mùa được mùa thua với đói nghèo đeo bám, với những khu nhà chồ xiêu vẹo, đầy rẫy tệ nạn xã hội bên Nại Hiên Đông, bấp bênh sóng nước Vũng Thùng. Nếu ai đã từng sống nơi đây thời ấy đều biết, chỉ cần đi một lượt trên con đường nhựa nhỏ bé từ Sơn Trà về đến quá Trung tâm Hành chính Q. Ngũ Hành Sơn bây giờ đã hết quận 3 rồi.
Tiếp đó là Ngũ Hành Sơn trầm mặc, ngổn ngang với nạn phá núi lấy đá; là xã Hòa Hải, Hòa Quý, thuộc H. Hòa Vang với những cánh đồng lúa, hoa màu, làng quê yên ả, xa hút tầm mắt người. Đường lên bán đảo Sơn Trà quanh co khúc khuỷu, nhỏ bé và chỉ dừng lại ở Suối Đá là chấm hết. Con đường ra cảng Tiên Sa nhỏ bé, quanh co khúc khuỷu, chỉ phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa đơn sơ...
Một khu du lịch tại bán đảo Sơn Trà. |
Bây giờ ở “quận 3”
“...Nhà tôi ở bên Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà”. Có thể bây giờ tôi, bạn và tất cả những ai ở quận 3 của Đà Nẵng một thời đều có thể nói như vậy, mỗi khi có ai đó hỏi nhà bạn ở đâu. Và, cũng không phải quận 3 như một thời chưa xa với câu ca đau đáu: “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá, đứng bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn phố xá thênh thang”. Bây giờ, bạn cứ thử đi một lượt dọc tuyến đường ven biển từ Sơn Trà đến Điện Ngọc (Quảng Nam) mà các nhà làm du lịch gọi là “con đường du lịch 5 sao” gồm 3 con đường Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, hay trên con đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa mới thấy hết, chứng kiến hết những đổi thay kỳ diệu của mảnh đất và con người ở phía đông- nam thành phố một thời tối tăm nghèo khó.
Bên kia phố bây giờ đã là 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, mỗi quận đều có Trung tâm Hành chính uy nghi, hoành tráng, hàng trăm con đường lớn nhỏ như ô bàn cờ, hàng trăm khu dân cư với đầy đủ tiện ích công cộng hiện đại, hàng chục resort, sân golf, khách sạn, khu biệt thự cao cấp, nhà hàng mọc lên bên bờ biển quyến rũ nhất hành tinh, một khu du lịch văn hóa tâm linh ven sông Cổ Cò, soi bóng Ngũ Hành Sơn huyền thoại sẽ hình thành trong vài năm tới, để điểm tô thêm một Ngũ Hành Sơn trầm mặc, huyền thoại và cổ tích, nơi Phan Hành Sơn anh hùng một thời đánh Mỹ, để trở thành một “đặc sản” du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng; một trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đào tạo nguồn nhân lực cao cho thành phố, một bệnh viện Phụ sản- Nhi 600 giường hiện đại bậc nhất miền Trung phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, một Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng.
Và còn đó, một K.20 một thời đánh Mỹ, những căn hầm của những bà mẹ ở Khê Mỹ, một làng Mồ côi một thời chở che cho Cách mạng, đã và đang được trùng tu, xây dựng mới, sẽ trở thành di tích lịch sử cách mạng và địa chỉ đỏ trong bản đồ du lịch “về nguồn” của thành phố.
Từ khi có cầu Sông Hàn, Tiên Sơn, Thuận Phước, rồi cầu Rồng, Trần Thị Lý, quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã đổi thay đến ngỡ ngàng cho những ai đi xa mỗi dịp về thăm thành phố, nhất là phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ. Con đường xuyên Á mà Cảng Tiên Sa là điểm đầu cũng là điểm cuối tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây, như trục xương sống chạy giữa lòng quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn qua cầu Tiên Sơn, rồi quốc lộ 14B, lên đường xuyên Á.
Con đường quanh bán đảo Sơn Trà hình thành cùng với những resort, biệt thự, nhà vườn, nhà nghỉ dưỡng mọc lên ở bãi Bụt, bãi Nam, bãi Bắc; đường Phạm Văn Đồng nối cầu Sông Hàn với biển Mỹ Khê quanh năm rì rào sóng vỗ; cầu Rồng, Trần Thị Lý hoàn thành khớp nối với đường du lịch ven biển Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp- Trường Sa bằng đường Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Thoại đã mở ra như đánh thức nàng công chúa kiều diễm bao năm ngủ yên trong giường chiếu hẹp. Hàng chục khu du lịch, resort, khách sạn 4, 5 sao lộng lẫy, nào Furama, Sandybeach, Sơn Trà Spa resort...thi nhau mọc lên... là những minh chứng hùng hồn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự đổi thay kỳ diệu ở mảnh đất quận 3 kiên trung, một thời là chiếc nôi chở che, nuôi giấu cách mạng ở Đà Nẵng.
Đinh Hoàng Minh