Quân đội Syria giành lại Palmyra
(Cadn.com.vn) - Quân đội Syria đã giành lại thành cổ lịch sử Palmyra ở miền Trung nước này, động thái được đánh giá sẽ giúp phe chính phủ giành được nhiều lợi thế trên bàn đàm phán hòa bình với các phe phái nổi dậy tại Genève, Thụy Sĩ.
Thành cổ Palmyra bị IS phá hủy tan hoang. Ảnh: AFP |
AFP ngày 2-3 đưa tin: quân đội Syria đã chiến đấu chiếm lại thành phố mang tính biểu tượng Palmyra từ tay nhóm cực đoan IS, nhưng đang bị chậm lại do phải xử lý bom mìn mà các phiến quân để lại sau khi rút lui. Chiến thắng lần này của quân đội Syria là thành quả sau nhiều trận chiến ác liệt với tổ chức khủng bố IS dưới sự hỗ trợ của không quân Nga.
Thành cổ này đã trở thành trận địa chính trị quan trọng trong suốt cuộc nội chiến Syria và là biểu tượng cho thấy sự tàn phá bừa bãi và khủng khiếp của IS đối với các di sản văn hóa trong khu vực đặt dưới sự kiểm soát của chúng. IS chiếm Palmyra từ tháng 5- 2015 và bắt đầu kế hoạch phá hủy các tượng đài và đền thờ, các di sản thế giới ở đây. Các phiến quân bị đẩy ra khỏi đây vào tháng 3-2016 nhưng sau đó chiếm lại thành cổ này vào cuối tháng 12-2016.
Cuộc tấn công mới nhất để chiếm lại thành phố này chứng kiến hình ảnh lực lượng chính phủ vượt qua các khu vực giới hạn ở phía tây vào cuối ngày 1-3, buộc các phiến quân IS rút vào các khu vực phía đông. “IS rút hầu hết ra khỏi Palmyra sau khi đặt mìn trên toàn thành phố. Hiện vẫn còn những kẻ đánh bom tự sát ở lại trong các khu dân cư đông đúc”, người đứng đầu Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abdel Rahmancho biết đồng thời cảnh báo, “vẫn còn rất nhiều bãi mìn nguy hiểm”.
Tin vui về việc giải phóng Palmyra xuất hiện trong bối cảnh có những ánh sáng cho hy vọng phá vỡ thế bế tắc tại bàn đàm phán hòa bình cho Syria đang diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ. Mặc dù không thiết lập khung thời gian cụ thể nhưng dự kiến bàn đàm phán sẽ kéo dài đến ngày 5-3 tới khi đã có một số tiến triển.
Hiện bàn đám phán bắt đầu đi vào những vấn đề cụ thể. Các nhà đàm phán của chính quyền Syria bắt đầu tham dự các cuộc đàm phán thực chất và mang tính xây dựng với Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura. Phát biểu với phóng viên sau cuộc gặp Đặc phái viên Mistura, ông Nasr al-Hariri - Trưởng đoàn đàm phán phe đối lập Syria – cho biết, “Chúng tôi đã nghe ông Mistura nói rằng do Nga gây sức ép nên có sự chấp thuận giải quyết các vấn đề được nêu và sự chuyển tiếp chính trị quan trọng nhất”. Ông Nasr al-Hariri cũng nhấn mạnh, bàn đàm phán sẽ tập trung thảo luận vấn đề chuyển tiếp chính trị, một trong những vấn đề gây trở ngại lớn nhất tại các vòng đàm phán giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là phe đối lập và chính phủ Syria vẫn còn đang mâu thuẫn về vai trò của Tổng thống Bashar Al-Assad trong quá trình chuyển tiếp chính trị. Phe đối lập vẫn kiên quyết đòi ông Assad từ chức và không giữ bất kỳ vai trò nào trong chính phủ chuyển tiếp. Trong khi đó, phe chính phủ khẳng định, số phận của nhà lãnh đạo này không được đưa ra thảo luận trên bàn đàm phán.
Cuộc xung đột Syria giết chết hơn 300.000 người và khiến hàng triệu người khác phải trốn chạy đến các nước láng giềng và Châu Âu, tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử lục địa già. Cuộc nội chiến này còn “mở đường” cho IS nắm giữ một vùng lãnh thổ để từ đó mở chiến dịch khủng bố toàn cầu.
Khả Anh