Báo Công An Đà Nẵng

Quan hệ Đức - Pháp - “Bằng mặt không bằng lòng”

Thứ bảy, 29/10/2022 11:05
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau ngày 26-10 tại Điện Elysee, Paris. Ảnh: Reuters

Không có cuộc họp báo chung

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 26-10 đã có cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ tại Paris. Sau hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Scholz chỉ đưa ra nhận xét rằng hai ông đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp và quan trọng về vấn đề cung cấp năng lượng cho châu Âu, lạm phát và các dự án quốc phòng chung. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này đã không tổ chức họp báo sau cuộc gặp, với lý do Thủ tướng Đức bận lịch trình làm việc.

Việc 2 nhà lãnh đạo không tổ chức họp báo chung như thường lệ, cũng như không ra tuyên bố về cuộc gặp, phần nào cho thấy những vấn đề bất đồng vẫn còn. Động thái này làm dấy lên hoài nghi về những mâu thuẫn giữa hai quốc gia "đầu tàu" có thể tác động đến sự đoàn kết của EU trong giải quyết các thách thức hiện nay của khối này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó xác nhận việc xuất hiện chung trước truyền thông, nhưng Tổng thống Pháp lại tuyên bố hủy bỏ và không ai biết điều gì đã xảy ra. Rõ ràng là có điều gì đó bất thường khi bên chủ nhà không tổ chức một họp báo chung nào với một quốc gia đồng minh thân thiện.

Đài France 24 bình luận rằng Pháp và Đức là những đồng minh rất thân thiết, hoặc ít nhất họ luôn là đồng minh của nhau, nhưng cuộc gặp lần này có sự khác biệt. Khi nói về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo và mối quan hệ chung giữa hai nước trong những tuần gần đây, đài ARD Tagesschau của Đức nhận định, phải chăng có gì đó “sai” trong quan hệ giữa Đức và Pháp.

Ban đầu, một cuộc thảo luận quy mô lớn hơn bao gồm các bộ trưởng trong chính phủ hai nước đã được lên kế hoạch. Sau đó, cuộc họp đã bị hoãn lại, và chuyển thành cuộc họp giữa hai nguyên thủ quốc gia. Alberto Alemanno, Giáo sư luật EU tại Trường Kinh doanh H.E.C (Pháp) nhận định: “Cam kết lịch sử của Pháp và Đức trong việc hợp tác chặt chẽ hiện nay dường như bị đặt nghi vấn, hoặc ít nhất là bị thách thức”. Ông nói thêm rằng hành động của Thủ tướng Đức Olaf Scholz "tạo ra sự chia rẽ sâu sắc nhất trong EU".

Những bất đồng

Việc không tổ chức họp báo chung chỉ là câu chuyện mới nhất của mâu thuẫn giữa hai cường quốc châu Âu. Gần đây, hai ông Scholz và Macron bất đồng về cách xử lý khủng hoảng năng lượng, cách vượt qua sự bất lực của châu Âu về quốc phòng và cách ứng xử tốt nhất với đối thủ.

Cuộc xung đột ở Ukraine cùng tình trạng lạm phát và khủng hoảng năng lượng đang gây căng thẳng cho các đồng minh châu Âu, vào giai đoạn họ cần đoàn kết. Theo tờ Izvestia (Nga), một lý do khiến Paris và Berlin không hài lòng với nhau là do lĩnh vực năng lượng. Trong khi Pháp bảo vệ giải pháp áp trần giá khí đốt của châu Âu, thì chính phủ Đức chỉ đồng ý vào tuần trước với một số điều kiện kèm theo. Pháp không đồng ý với đề xuất của Thủ tướng Olaf Schols về việc cấp gói trợ cấp năng lượng trị giá200 tỷ EUR cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Đức giữa “bão giá khí đốt và điện”, thay vì để toàn bộ châu Âu áp dụng mức trần giá khí đốt Nga. Trong khi đó, Berlin phản đối áp giá trần khí đốt trong toàn khối vì lo ngại người tiêu dùng ngừng tiết kiệm, khiến tình hình thêm tồi tệ thì Paris lại thúc đẩy áp giá trần khí đốt toàn khối.

Bất đồng Pháp- Đứccòn liên quan đến chính sách quốc phòng. Đức tăng ngân sách quốc phòng và có kế hoạch mua vũ khí từ Mỹ – động thái khiến Pháp lên án. Ngoài ra, tại một cuộc họp NATO gần đây, Berlin đã ký thỏa thuận với 14 quốc gia NATO, trong đó có cả Mỹ và Anh, về một hệ thống phòng không mới có tên là Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (hay ESSI). Sáng kiến này nhằm tạo ra một chương trình phòng không chung trên lục địa, nhưng không có Pháp. Mặt khác, chính Pháp lại làm phức tạp các dự án vũ khí của châu Âu khi đưa ra các hiệp ước đơn phương có lợi cho Paris, quay lưng lại với lời kêu gọi các nước thành viên NATO tham gia dự án phòng không chung của Berlin.

Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin nói với Izvestia rằng mối quan hệ giữa Paris và Berlin đang bị chia rẽ trong thời điểm quan trọng. Ông tin rằng nếu các quốc gia này không đoàn kết, họ sẽ trở thành nạn nhân của nền kinh tế và hệ thống an ninh của Mỹ. Theo phân tích của tờ DW (Đức), khủng hoảng quan hệ Pháp - Đức đe dọa làm suy yếu khả năng hành động của EU. Giới phân tích cho rằng không có quốc gia châu Âu nào đủ lớn để tự mình đảm bảo ổn định chính trị và EU cần sự đồng thuận cơ bản giữa Pháp và Đức để giải quyết các vấn đề chung của khối. Vì thế, EU không thể hoạt động tốt nếu thiếu bộ đôi đoàn kết Pháp - Đức.

AN BÌNH