Báo Công An Đà Nẵng

Quan hệ Mỹ- Triều năm 2019: Tranh tối, tranh sáng

Thứ tư, 01/01/2020 15:46

Nếu tìm một cụm từ để mô tả cho mối quan hệ Mỹ - Triều năm 2019, "vòng luẩn quẩn" là chính xác nhất. Dù đã 2 lần bắt tay, gặp mặt tươi cười trong năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 2019 đã khép lại với nhiều kịch tính, như thể một bộ phim nhiều tập và vẫn chưa có một hồi kết, trong mối quan hệ Mỹ và Triều Tiên. Đó là cuộc "đổi vai, đổi sự", dự báo mang lại nhiều bất ngờ cho bán đảo Triều Tiên trong năm 2020.

Ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau hôm 30-6 tại Khu phi quân sự (DMZ), đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Mỹ đặt chân lên Triều Tiên. Ảnh: AP.

Từ Singapore đến Hà Nội

8 tháng sau những cam kết còn quá chung chung tại Singapore trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định gặp nhau lần hai tại thủ đô Hà Nội vào ngày 26 và 27-2 để đi đến một cái kết "có hậu" hơn. 

Ngay lập tức sau khi được thông báo về cuộc gặp lần hai, mọi con mắt đều đổ dồn vào đây, với kỳ vọng nó sẽ giúp tạo đột phá, ra tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và có bước đi thực chất hướng đến phi hạt nhân. Tuy nhiên, những bất đồng về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và các cơ sở hạt nhân khiến cả hai nhà lãnh đạo này ra về trắng tay. Và như một lẽ tất nhiên, ngay sau đó, tiến trình đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc. Trong lúc tình hình "nóng như lửa đốt" khi Bình Nhưỡng dồn dập thử tên lửa (từ tháng 5 đến12, Triều Tiên đã thử 13 quả tên lửa) được cho là nhằm thể hiện bất bình về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây, cuộc gặp ngẫu hứng tại biên giới liên Triều hồi tháng 6 như "cơn mưa mùa" giúp hạ nhiệt căng thẳng và nhen nhóm hy vọng tạo sự đột phá cho "mối tình" giữa hai nước cựu thù này. Nhưng rồi, lại một lần nữa, như một sự dùng dằng khó lý giải, các cuộc thảo luận cấp chuyên viên sau đó cũng không có gì tiến triển.

Kể từ sau cuộc đàm phán cấp làm việc ở Stockholm, Thụy Điển hồi tháng 10, cả hai không thể sắp xếp thêm được cuộc gặp nào, do những tranh cãi về quy mô phi hạt nhân hóa cũng như lợi ích Mỹ có thể trao cho Triều Tiên. Trên bàn đàm phán, không bên nào muốn nhường bên nào. Điều này khiến Bình Nhưỡng thật sự mất kiên nhẫn và đã tuyên bố chấm dứt đàm phán phi hạt nhân và cảnh báo Mỹ về một "món quà Giáng sinh" - được cho là tuyên bố ám chỉ về một vụ thử tên lửa từ Triều Tiên. "Washington có toàn quyền quyết định "món quà Giáng sinh" nào mà nước này sẽ nhận được vào dịp cuối năm", tuyên bố của Bình Nhưỡng nêu rõ. Dù cho đến nay, thực tế chứng minh đó chỉ là cảnh báo của Bình Nhưỡng, nhưng điều này không làm vơi đi những mối lo ngại về khả năng Triều Tiên có thể tiếp tục thử nghiệm các tên lửa tầm xa và hạt nhân vào đầu năm 2020.

Cho đến nay, tất cả những diễn biến tranh tối tranh sáng này chỉ càng khiến mọi khúc mắc và tranh cãi vẫn "dậm chân tại chỗ" trong năm 2019 qua.

Đối thoại hay đối đầu?

Không ngoa khi nói rằng, Tổng thống Trump là bậc thầy gây chú ý trên sân khấu chính trị thế giới. Và trong vấn đề Triều Tiên cũng vậy. Ông chủ Nhà Trắng hiện tại đã làm một điều chưa người tiền nhiệm nào thực hiện: sải chân trên lãnh thổ Triều Tiên. Chưa bao giờ một lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau ở giới tuyến tua tủa dây thép gai, nơi các lực lượng được vũ trang hạng nặng đối mặt nhau suốt 66 năm qua kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, những bước chân lịch sử đó cũng không đủ mang lại "trái ngọt" về cho mối quan hệ với Bình Nhưỡng trong năm 2019. Nếu tìm một cụm từ để mô tả cho mối quan hệ Mỹ - Triều năm 2019, "vòng luẩn quẩn" là chính xác nhất. Dù đã 2 lần bắt tay, gặp mặt tươi cười trong năm qua, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng, ông Trump đã mắc những sai lầm như đưa ra thông điệp không nhất quán, không thấu hiểu đối tác, yêu cầu quá nhiều và cả những lời hứa không thể thực hiện. Và nguyên nhân cốt lõi hơn của thất bại này chính là sự khác biệt về quan điểm và thiếu lòng tin. Trong khi ông Trump tiếp cận vấn đề này với ý tưởng về một "thỏa thuận gói", tức là một thỏa thuận lớn trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, ông Kim Jong-un lại muốn từng giai đoạn và tăng dần đều lên. Tức là trong khi Washington yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước rồi mới được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Triều Tiên khăng khăng phi hạt nhân hóa từng bước kèm theo động thái "có đi có lại" của Mỹ.

Trên lý thuyết, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn cơ hội nối lại đối thoại. Triều Tiên, dù thực hiện một loạt vụ phóng tên lửa và thử vũ khí mới, nhưng không thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tức là không vi phạm các lệnh cấm của HĐBA LHQ, tức là Bình Nhưỡng vẫn kiềm chế không vượt qua "ranh giới đỏ". Nhưng... vấn đề là Bình Nhưỡng có còn hứng thú ngồi vào bàn đàm phán hay không. Bởi thực tế diễn biến gần 1 năm nay đang chứng minh, chính sách siết chặt trừng phạt của Mỹ không đem lại hiệu quả, nếu không muốn nói là đang "đổ thêm dầu vào lửa".

Và những diễn biến này khiến bán đảo Triều Tiên nguy cơ quay trở lại tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" và đặt ông Trump vào thực tại: Triều Tiên không phải là bài toán dễ nắm bắt như cách ông đã nhìn nhận.

THANH VĂN