Báo Công An Đà Nẵng

Quan hệ Nga - Mỹ "đang xuống dốc"

Thứ hai, 25/12/2017 12:30

Trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Nga là "cường quốc đối nghịch", cấm vận một đồng minh thân cận với Tổng thống Nga Putin và quyết định cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine. Nhiều hành động của Washington quay lưng lại với kế hoạch tạo mối quan hệ ấm áp hơn với Nga mà Tổng thống Donald Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử và trong những ngày đầu khi mới nhậm chức.

Việc Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine khiến mối quan hệ với Nga thêm căng thẳng. Ảnh: RT

Kế hoạch này của ông Trump bị kìm hãm bởi những hạn chế chính trị trong nước như cuộc điều tra liên tục về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, cũng như sự nghi ngờ của các nhà ngoại giao, Lầu Năm Góc về các hoạt động tấn công mạng của Moscow.

Những người gần gũi và ủng hộ hợp tác nhiều hơn với Moscow trong chính quyền Tổng thống Trump cũng như các quan chức an ninh quốc gia hiện đều bày tỏ quan điểm thận trọng hơn với Nga. Matt Rojansky, Giám đốc Viện Kennan tại Wilson, cho biết: "Chúng ta đã trải qua một năm và chúng ta đã định hướng cho một chính sách về Nga và chính sách này là "đối đầu". Đó chắc chắn không phải là chính sách chúng ta mong đợi từ ứng cử viên Trump. Tôi nghĩ ngay cả người Nga cũng hiểu được tại sao kế hoạch này không được thực hiện". Ông Rojansky cho biết thêm, có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng này sẽ tăng lên vào năm 2018.

Cung cấp vũ khí cho Ukraine

Hôm 22-12, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine "các năng lực phòng thủ tăng cường" trong bối cảnh chính quyền Kiev đang phải chiến đấu với các lực lượng ly khai ở miền Đông.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington tuyên bố cho phép Kiev mua một số vũ khí từ các nhà sản xuất Mỹ. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cấp phép xuất khẩu để Ukraine mua một số loại vũ khí hạng nhẹ từ các nhà sản xuất Mỹ trị giá 41.5 triệu USD cho hệ thống bắn tỉa Model M107A1. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc chấp nhận xuất khẩu thương mại vũ khí sát thương là "chẳng có gì mới" bởi Washington đã nhiều lần cho phép các nhà sản xuất vũ khí Mỹ bán vũ khí cho Kiev "thuộc 2 chính quyền trước đây". Washington cũng chấp thuận cung cấp 350 triệu USD viện trợ quân sự cho Kiev theo Đạo luật Bảo vệ Quốc phòng trong năm tài chính 2018 mà Tổng thống Trump đã ký kết vào tháng trước.

Cùng ngày, Lầu Năm Góc cáo buộc Nga cố ý vi phạm thỏa thuận nhằm ngăn ngừa tai nạn trên bầu trời Syria, sau cuộc chạm trán không an toàn gần đây giữa máy bay F-22 của Mỹ và Su-25 của Nga. "Nga không thực hiện nghiêm túc việc không được xâm phạm không phận không an toàn ở Syria. Một số sự kiện này không phải là sai lầm", người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana W. White cho biết.

Quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine xảy ra khi những cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội Ukraine và các nhóm ly khai đang gia tăng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 23-12 cho rằng, với động thái này, Mỹ đã "đẩy Ukraine vào cuộc đổ máu mới". Tuy nhiên, Mỹ cho biết sự hỗ trợ này là "hoàn toàn mang bản chất  tự vệ" và là việc làm phù hợp với "nỗ lực giúp đỡ Ukraine xây dựng năng lực quốc phòng dài hạn để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình". Tuyên bố cũng cho biết, Mỹ vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận Minsk, lộ trình để giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert còn cáo buộc Nga là nguồn cơn của tình trạng bạo lực ở miền đông Ukraine. Một ngày sau đó, Washington công bố các lệnh trừng phạt mới đối với 3 người Nga và 2 người Chechnya, trong đó có Ramzan Kadyrov, lãnh đạo nước Cộng hòa Chechnya của Nga và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin. Theo người phát ngôn Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, điều này đã tạo ra mối đe dọa trả đũa lẫn nhau giữa hai nước.

Chiến lược An ninh Quốc gia mới

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia Tổng thống Trump công bố hôm 19-12, Washington nhận định Nga là nhân tố tiêu cực trên trường quốc tế và Washington coi Moscow là một đối thủ. Chiến lược cho rằng, Nga muốn hình thành một thế giới đối nghịch với các giá trị và lợi ích của Mỹ, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế của Washington và "chia rẽ Mỹ khỏi các đồng minh và đối tác".

Chiến lược này chính thức làm sáng tỏ ông Trump phản đối mục tiêu tạo mối quan hệ ấm áp hơn với Nga. Tổng thống Putin gọi chiến lược này là "hung hãn" và cho biết Moscow sẽ lưu tâm. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Trump cũng đề cập đến các cuộc điện đàm thân mật với ông Putin. Angela Stent, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Âu-Á, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown cho rằng, sự tương phản này là biểu tượng của cuộc chiến kéo dài hàng năm qua trong chính quyền Mỹ. Theo ông Stent, "Những gì chúng ta đã thấy cả năm qua là chính sách kép của Tổng thống Trump muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Putin nhưng lại vấp phải "đường lối cứng rắn" của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson.

AN BÌNH (Theo CNN)