Báo Công An Đà Nẵng

Quan hệ Nga - Mỹ: Từ “cuộc chiến visa” đến “Dòng chảy phương Bắc 2”

Thứ sáu, 27/12/2019 12:29

Mối quan hệ vốn không mấy êm ả giữa Nga-Mỹ lại bùng nổ những căng thẳng về việc cấp thị thực cho các quan chức giữa hai nước và mới nhất là lệnh cấm của Washington nhằm vào dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Moscow.

Trong dấu hiệu đầu tiên cho thấy các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực, nhà thầu Thụy Sĩ Allseas đã đình chỉ các hoạt động “Dòng chảy phương Bắc 2”. Ảnh: AFP

Nga cáo buộc LHQ phớt lờ việc Mỹ trì hoãn cấp thị thực

Trong động thái mới nhất quanh “cuộc chiến visa” giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Nga ngày 26-12 đã cáo buộc Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phớt lờ điều mà Moscow gọi là Washington trì hoãn cấp thị thực cho các quan chức Nga cần đến trụ sở LHQ tại New York.

Moscow cho rằng, Washington cố ý trì hoãn việc cấp thị thực cho các quan chức Nga tới trụ sở của LHQ, một động thái mà Điện Kremlin cho biết có khả năng làm tổn hại mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, một số quan chức Bộ Quốc phòng nước này, những người có kế hoạch tới trụ sở LHQ, đã phải chờ đợi “nhiều tháng” để được cấp thị thực. Bà Zakharova nêu rõ: “Dễ nhận thấy rằng tất cả những điều này diễn ra với sự đồng lõa hoàn toàn từ Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, người thực sự phớt lờ việc Mỹ vi phạm Hiến chương LHQ”.

Căng thẳng hai nước bùng nổ sau khi tờ NYTimes trích dẫn lời của nhân viên ngoại giao Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, Heather Byrnes, cho rằng Nga từ chối cấp thị thực cho 30 giáo viên dạy học tại Trường tiếng Anh thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Moscow bất chấp các nỗ lực thuyết phục của Mỹ. Tuy nhiên, Nga bác bỏ và nói đây là “những lời nói dối”, cáo buộc Mỹ không muốn giải quyết vấn đề. Nga cũng chỉ trích Mỹ đã khơi mào cho “cuộc chiến visa” vì trong nhiều năm qua, Washington gây khó khăn cho Nga trong việc luân chuyển nhân viên ngoại giao của nước này, trì hoãn việc cấp thị thực cho hơn 60 nhân viên ngoại giao của các cơ quan đại diện của Nga ở nước ngoài.

Mới đây nhất, hồi tháng 9, Nga triệu một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ để phản đối việc Washington từ chối cấp thị thực một cách không thể chấp nhận đối với các thành viên phái đoàn Nga tới tham dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ. Sau đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ bày tỏ quan ngại về việc nước sở tại liên tiếp từ chối cấp thị thực cho các quan chức Nga, sau khi một phái đoàn thuộc Cơ quan Tài chính liên bang Nga  theo kế hoạch phải tới Washington vào ngày 3-12 đã bị từ chối thị thực.

Lệnh cấm dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”

Trong khi “cuộc chiến visa” vẫn chưa hạ nhiệt, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại “bắn phát đạn mới” vào quan hệ hai nước khi ký Luật Ủy quyền Quốc phòng trị giá 738 tỷ USD vào hôm 20-12, trong đó có các biện pháp trừng phạt đối với tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Biện pháp trừng phạt các tuyến đường ống khí trên đã có hiệu lực, và Washington yêu cầu dừng ngay lập tức các hoạt động liên quan đến xây dựng các dự án này. Hiện tại, Cty liên doanh Allseas giữa Thụy Sĩ và Hà Lan - chịu trách nhiệm rải đường ống bằng 2 tàu Pioneering Spirit và Solitaire - đình chỉ hoạt động để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. “Dòng chảy phương Bắc 2” dài 1.230km từ Nga đến Đức qua Biển Baltic, dự kiến bắt đầu hoạt động giữa năm 2020. Trong khi đó, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” gồm 2 đường ống dẫn khí ngoài khơi dài 930 km vượt biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng từ cuối năm nay. Nó cũng dự kiến sẽ kết nối các mỏ khí đốt của Nga hơn nữa đến Bulgaria, Serbia và Italia.

Nga ngay lập tức chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, cáo buộc Washington cấm các nước khác phát triển nền kinh tế. Các nước EU, trong đó có Đức cũng chỉ trích mạnh mẽ với các lệnh trừng phạt này của Mỹ. Trong quyết định đáp trả mạnh mẽ, Moscow tuyên bố tự túc tàu lắp đặt đường ống phục vụ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Tuy nhiên, theo Moscow, việc hoàn thiện dự án sẽ bị “kéo dài” thêm một vài tháng bởi các lệnh trừng phạt.

KHẢ ANH