Báo Công An Đà Nẵng

Quan hệ Nga - Mỹ và những "ánh sáng cuối đường hầm"

Thứ bảy, 25/12/2021 18:49

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Nga dường như rất nghịch lý.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 7-12.   Ảnh: Reuters

Mặc dù cả hai nước không có mối đe dọa hiện hữu nào đối với nhau ngoài mối đe dọa hạt nhân  và không có lợi ích quốc gia không thể hòa giải, nhưng hiện mối quan hệ song phương đang trong giai đoạn sóng gió và có thể xấu đi bất cứ lúc nào. Những sự kiện xảy ra trong một thập niên gần đây khiến cho tình trạng này gần như là không thể tránh khỏi. Trong năm 2021, những bất đồng giữa Nga và Mỹ tiếp tục chứng kiến nấc thang mới như: Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau cáo buộc Moscow liên quan tới vụ tấn công mạng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, Nga cáo buộc tin tặc từ Mỹ tấn công trang mạng của Ủy ban Bầu cử trung ương Nga trong cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) hồi tháng 9. 

Tiếp đó là cuộc khủng hoảng ngoại giao "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao của nhau, dẫn tới làn sóng trục xuất các nhân viên ngoại giao của nhau. Và còn đó là cuộc cạnh tranh giành thị trường khí đốt châu Âu, khiến cho tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga dù đã hoàn công vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Kèm theo đó là một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các thực thể và cá nhân Nga liên quan tới dự án này. 

Và nóng nhất là căng thẳng liên quan tới vấn đề Ukraine, với việc hai bên liên tiếp gia tăng lực lượng và tiến hành các cuộc tập trận tại Biển Đen và khu vực sát biên giới Ukraine. Phía Mỹ cáo buộc Nga tập trung quân gần biên giới để có thể tấn công Ukraine nhưng Moscow kiên quyết bác bỏ. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin chỉ trích NATO không giữ lời hứa khi tiếp tục mở rộng về phía Đông giáp với biên giới Nga, các tàu chiến và máy bay của NATO gia tăng hoạt động tại Biển Đen, trong đó Mỹ cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Porter, soái hạm Mount Whitney và tàu tiếp liệu hải quân John Lenthall cùng máy bay ném bom chiến lược B-1B. Điện Kremlin muốn có một cuộc thảo luận cụ thể về vấn đề này. 

Và còn nhiều vấn đề mâu thuẫn khác khiến mối quan hệ Nga-Mỹ hiện xuống mức rất thấp, đến nỗi một số chuyên gia cho rằng giống như một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" Trong cuộc hội đàm thông qua cầu truyền hình hôm 7-12, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Biden đã cho thấy sự tiến bộ và thấu hiểu của cả hai bên về các vấn đề vận động chung như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nỗ lực để các cơ quan đại diện ngoại giao của hai bên hoạt động trở lại và vấn đề an ninh hạt nhân. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã thẳng thắn chia sẻ rằng tuy bất đồng về nhiều vấn đề, nhưng Mỹ vẫn mong muốn đối thoại với Nga, điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc duy trì đối thoại giữa hai nước.

Nhu cầu hợp tác, nhu cầu cần đến nhau của cả hai nước vẫn được thể hiện qua một số khía cạnh, giống như những đốm sáng nhỏ trong bức tranh toàn cảnh u ám của mối quan hệ kiểu "chiến tranh Lạnh mới" giữa Nga và Mỹ.

Trước tiên, đó là hai cuộc gặp, một trực tiếp và một trực tuyến, giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm nay, bất chấp những trở ngại về an toàn dịch tễ của đại dịch COVID-19. Các cuộc gặp giữa hai tổng thống ít nhất đã nói lên nhu cầu cần đến nhau của cả hai nước, và trên thực tế hai cuộc gặp cũng đã đem đến những kết quả tích cực, dù không nhiều. Nga và Mỹ đã có thể thống nhất về các biện pháp kiểm soát vũ khí và một số mức độ hợp tác trong không gian mạng, hay hợp tác để thúc đẩy các giải pháp chung cho các vấn đề quốc tế tại Liên hợp quốc.

Hai nước đã cùng nhau đệ trình một dự thảo nghị quyết về an toàn thông tin quốc tế lên Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế (Ủy ban thứ nhất) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương trên lĩnh vực an toàn thông tin quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Liên hợp quốc đăng cai tổ chức hai nền tảng "cạnh tranh" từ năm 2019-2021 là Nhóm công tác mở (OEWG) được thành lập theo sáng kiến của Nga và Nhóm các chuyên gia chính phủ (GGE) do Mỹ dẫn đầu.

Một "đốm sáng" nữa trong quan hệ Nga-Mỹ là việc hai bên nhất trí gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START, Nga gọi là START 3), hiệp định chủ chốt cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ vốn hết hạn tháng 2 vừa qua. Có thể thấy kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, dù bất đồng và đối đầu vẫn bao trùm mối quan hệ, Nga và Mỹ đã thực hiện một số bước khiêm tốn nhưng đầy hứa hẹn trong đối thoại về ổn định chiến lược. Tuy không đem lại hy vọng lớn về khả năng "cài đặt lại" mối quan hệ Nga-Mỹ, song những tiến bộ nhỏ trên cũng cho thấy hai bên vẫn cần tới nhau, cũng như vai trò to lớn của cả hai nước trên trường quốc tế.

KHẢ ANH