Báo Công An Đà Nẵng

Quản lý, bảo vệ rừng bao giờ mới ngừng thống kê… hậu quả!

Thứ bảy, 19/03/2022 09:17

Hiện trường san ủi đất rừng trái phép tại Tiểu khu 267C.

“Yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất đai trên lâm phần được giao quản lý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết không để các đối tượng tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan...”, đó là những nội dung rất “dễ thấy” trong các văn bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng của nhiều địa phương có rừng. Tuy nhiên, một thực tế là hằng năm, tình trạng mất rừng trên địa bàn vẫn xảy ra…

Sốt đất, mất rừng!

Thay vì màu xanh của rừng, hiện giờ tại Tiểu khu 267C thuộc quản lý của BQL rừng phòng hộ Đại Ninh (viết tắt: BQLRPH Đại Ninh) là cả một khu vực rộng lớn trơ ra màu đất đỏ bazan. Quanh khu vực nhà bảo vệ rừng của BQLRPH Đại Ninh là những khoảnh rừng liền kề bị tàn phá, cưa hạ, đốt cháy nham nhở, cạnh đó, với hàng loạt cây thông đã, đang chết đứng vì bị khoan gốc, bị đầu độc bằng chất độc. Tại đây, dù cây rừng chưa kịp cưa hạ nhưng người dân đã đóng cọc sắt làm ranh phân lô, thửa chia phần. Cùng với đó, nhiều sườn đồi, khe núi trong khu vực cũng chung tình trạng, bị cạo trọc, cày xới, san ủi mở đường ngang, dọc và cải tạo thành những thửa đất rất đẹp.

Một cán bộ lâm nghiệp cho biết, khu vực rừng bị bao chiếm, san ủi trái phép trên, năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho một doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư quản lý bảo tồn, xây dựng khu du lịch sinh thái cao cấp. Đến năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi dự án của doanh nghiệp này và giao cho BQLRPH Đại Ninh quản lý hơn 266 ha, trong đó, với 175 ha rừng, hơn 20 ha đất trống và 71 ha rừng bị phá, bị lấn chiếm trồng cà-phê. BQLRPH Đại Ninh cũng cắt cử cán bộ lâm nghiệp địa bàn túc trực, tuần tra, kiểm soát nhưng không hiệu quả.

Tiểu khu 267C nằm trong địa giới hành chính xã Hiệp An (H. Đức Trọng, Lâm Đồng), cửa ngõ vào TP Đà Lạt (Lâm Đồng) nên theo lãnh đạo UBND xã Hiệp An, do nhu cầu đất đai tăng cao đã kéo theo nạn phá rừng, chiếm đất, san ủi mặt bằng trái phép. Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong kiểm tra, xử lý kiên quyết nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Cũng theo chính quyền xã Hiệp An, một số đối tượng lấn chiếm đất rừng, phá rừng với mục đích nhằm sang nhượng cho người khác để thu lợi bất chính. Trong năm 2021, xã đã tập trung xử lý các đối tượng lấn chiếm đất rừng, san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép trên 50 trường hợp, đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng, san gạt mặt bằng, làm nhà trái phép trên đất rừng.

Trước tình trạng rừng bị tàn phá, bao chiếm, tái lấn chiếm trái phép và san ủi đất lâm nghiệp xảy ra công khai nhưng chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn, trao đổi với báo chí, lãnh đạo BQLRPH Đại Ninh cho rằng, để xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất có nhiều nguyên nhân. Do địa bàn rộng nên khi nghe thông tin và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đến nơi thì vụ việc đã xảy ra rồi…

Theo những gì chúng tôi tìm hiểu được, trước cơn sốt bất động sản trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, san ủi, bao chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được chấn chỉnh triệt để, nhiều khu vực rừng vẫn tiếp tục bị gặm nhấm, tàn phá như ở Tiểu khu 267C.



Hiện trường vụ phá rừng tại thị trấn Măng Đen.

Chủ rừng quản không xuể

Tương tự, đầu tháng 3-2022, trên địa bàn thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cũng xảy ra vụ khai thác rừng trái phép tại lô 2 và 3, khoảnh 11, Tiểu khu 486. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng huyện Kon Plông xác định có 26 gốc cây bị cưa hạ, chủng loại gồm: Xoan mộc, Máu chó, Bời lời vàng, Xoan ta thuộc nhóm V và nhóm VI. Mỗi cây gỗ lâm tặc chỉ cắt lấy phần thân to nhất sát gốc, phần gỗ còn lại với 33 lóng có khối lượng 36,309m3 vẫn còn bỏ tại hiện trường. Vụ án phá rừng tại Tiểu khu 486 thuộc lâm phần quản lý của UBND thị trấn Măng Đen.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Kon Plông, sau khi có thông tin về vụ việc phá rừng tại Tiểu khu 486 vào ngày 7-3-2022, Công an huyện đã triển khai ngay các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Công an huyện Kon Rẫy khoanh vùng, rà soát các đối tượng nghi vấn. Quá trình điều tra đã xác định được 6 đối tượng nghi vấn đến vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép, gồm: Dương Văn Tuấn (31 tuổi), Dương Văn Tiến (33 tuổi), Đoàn Văn Thế (39 tuổi), cùng trú xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy); A Thuửi (29 tuổi, trú xã Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy), Trần Văn Cao (33 tuổi, trú P. Thắng Lợi, TP Kon Tum) và Trần Xuân Sang (31 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy). Trong số đối tượng này, Trần Xuân Sang là người thu mua gỗ của nhóm Dương Văn Tuấn và Dương Văn Tiến rồi bán lại cho Trần Văn Cao.

Ngày 14-3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kon Plông đã đưa các đối tượng đến hiện trường để xác định các gốc gỗ trực tiếp cắt hạ; đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng trong quá trình khai thác lâm sản trái phép. Cũng theo Cơ quan CSĐT, quá trình đấu tranh, 3 đối tượng gồm Tuấn, Thế, Thuửi khai nhận là người trực tiếp cắt hạ, bổ lóng, cưa xẻ đối với 24 cây gỗ trong tổng số 26 gốc gỗ bị cắt hạ tại khoảnh 11, Tiểu khu 486. Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện Kon Plông tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

L.Đ- K.T