Báo Công An Đà Nẵng

"Quản lý" bệnh không lây nhiễm

Thứ tư, 30/10/2019 20:07

Các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ) là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật và gánh nặng về y tế. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã cho biết, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, là một trong những thách thức chủ yếu trong thế kỷ XXI. Vì vậy, việc quản lý tốt bệnh không lây nhiễm góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Nhân viên y tế khám sàng lọc bệnh THA và ĐTĐ cho người dân. 

Sàng lọc các đối tượng có yếu tố nguy cơ

Việc sàng lọc các đối tượng có yếu tố nguy cơ về THA, ĐTĐ trong cộng đồng để phát hiện sớm, điều trị và đưa vào hệ thống quản lý bệnh không lây nhiễm sẽ góp phần giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 140.000 người mắc bệnh THA (chiếm 13% dân số). Tuy nhiên, thành phố chỉ mới phát hiện được khoảng 43% và số quản lý mới chỉ được 13,6%. Số người mắc ĐTĐ cũng khá cao, ước tính khoảng 31.500 người (chiếm 4,1% số người trưởng thành từ 18-69 tuổi), trong số này chỉ phát hiện được 31,9% và quản lý 1/3 số người mắc bệnh. Do vậy, năm 2019, Ngành Y tế Đà Nẵng đã chọn nhiệm vụ phòng chống THA và ĐTĐ là nhiệm vụ trọng tâm số 1 cần thực hiện.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cho rằng, ĐTĐ là căn bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về thần kinh, thận, mắt, tim mạch, nhiễm trùng... Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người bệnh. Ở giai đoạn tiền ĐTĐ và giai đoạn đầu của ĐTĐ, người bệnh hầu như không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên rất khó nhận biết. Thực tế, hầu hết mọi người chỉ phát hiện mình bị bệnh thông qua các đợt khám sức khỏe hoặc phát hiện qua chương trình khám sàng lọc ĐTĐ, hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó...

Bà Nguyễn T.L (44 tuổi, trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) cho biết: "Cách đây 6 tháng, thấy trong người mệt mỏi, tê tay chân, ăn nhiều nhưng lại sút ký, tôi đã đến Trung tâm Y tế H. Hòa Vang khám, xét nghiệm thì mới biết mình mắc bệnh ĐTĐ. Sau khi được điều trị ổn định, tôi được chuyển về Trạm Y tế xã Hòa Phong tiếp tục điều trị. Thời gian qua, tôi luôn đến trạm để kiểm tra theo dõi bệnh, xét nghiệm đường huyết định kỳ 3 tháng/1 lần. Hằng tháng tôi đến nhận thuốc và uống thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế, thực hiện chế độ ăn uống và tập thể dục theo lời khuyên của bác sĩ. Nhờ đó mà đến nay sức khỏe tôi ổn định".

Nguyên lý y học gia đình

Thực hiện mục tiêu chung của ngành y tế Đà Nẵng năm 2019 là quản lý các bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình, Trạm Y tế (TYT) xã Hòa Phong (H. Hòa Vang), đã tích cực triển khai hoạt động này...

Để mọi người đều được quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, ngoài việc được hỗ trợ chuyên môn từ cấp trên, TYT xã Hòa Phong đã được cấp 10 máy đo huyết áp và 1 máy thử đường huyết mao mạch để phục vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh cho người dân. Từ đầu năm 2019 đến nay, TYT đã thực hiện khám sàng lọc nguy cơ ĐTĐ cho hơn 1.800 lượt người. Hiện tại, Trạm đang quản lý gần 690 bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó hơn 50 bệnh nhân ĐTĐ có hồ sơ quản lý điều trị tại Trạm.

Cũng giống như TYT xã Hòa Phong, thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế, TYT P. Thọ Quang (Q. Sơn Trà) đã tổ chức khám sàng lọc bệnh THA và ĐTĐ cho nhân dân trên địa bàn phường. Những trường hợp được phát hiện mắc THA và ĐTĐ sẽ được TYT quản lý sức khỏe toàn diện và liên tục. Chị Võ T.K.T (trú P. Thọ Quang) cho biết: "Tôi thấy việc triển khai chương trình kiểm tra sức khỏe định kỳ về THA và ĐTĐ cho người dân tại địa phương giúp chúng tôi không phải đi khám bệnh xa, vất vả và không phải chờ đợi nhiều". 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với các bệnh không lây nhiễm, chi phí phòng bệnh rất thấp nhưng mang lại hiệu quả lớn. Và nếu công tác này được triển khai hiệu quả ngay từ tuyến y tế cơ sở sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời góp phần giúp Ngành Y tế Đà Nẵng nói riêng và Y tế Việt Nam nói chung sớm đạt được những mục tiêu về quản lý bệnh không lây nhiễm...

T.DŨNG