Quản lý Mỹ Sơn từ trên cao?
(Cadn.com.vn) - Trong chương trình triển lãm hình ảnh về Di sản văn hóa phi vật thể tại Mỹ Sơn (Quảng Nam) với sự hỗ trợ của UNESCO, đơn vị tư vấn 3DSCAN Việt Nam vừa khởi động thử nghiệm đo vẽ, thu thập số liệu tại quần thể di tích này bằng máy quay phim chuyên dụng trên không. Nhất cử lưỡng tiện, BQL khu di tích cũng xin cử người "học việc" để có thể tiến hành một chương trình quản lý hiện trạng, trùng tu, bảo vệ khu đền tháp này bằng phương pháp này trong tương lai.
Du khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn. |
Theo ông Nguyễn Công Hường, Trưởng BQL di tích và du lịch Mỹ Sơn, để có những hình ảnh chi tiết và đa dạng phục vụ cho chương trình triển lãm, đơn vị tư vấn 3DSCAN VN đóng tại Đà Nẵng triển khai đo vẽ, thu thập số liệu tại khu B, C, D và khu G bằng máy quay phim chuyên dụng từ trên không. Ông Hường cho hay, từ trước tới nay, các chuyên gia thường chỉ áp dụng phương pháp quan sát từ dưới đất hoặc phải dựng giàn giáo bao quanh tháp để di chuyển giống như xây dựng, trùng tu một công trình bình thường.
Phương pháp này vừa rất phức tạp vì địa hình khu đền tháp cao thấp khác nhau ở từng khu vực, nếu không cẩn thận rất dễ tác động làm thay đổi đến hiện trạng. Kỹ thuật giám sát, kiểm kê, đo đạc di tích mới áp dụng tại di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn do 3DSCAN VN thực hiện là điều khiển máy quay như chiếc máy bay mô hình điều khiển từ xa tiến sát vào di tích và kiểm tra hiện trạng tháp từ trên cao nên đơn giản và rất tiện lợi.
Các thông số kỹ thuật của từng vị trí tháp đều được tính toán, đo đạc và lưu trữ chi tiết để phục vụ các chương trình trùng tu, quảng bá di tích, nhất là phục dựng Mỹ Sơn bằng kỹ thuật 3D. "Thực tế từ trước tới nay việc quản lý hiện trạng của khu di tích Mỹ Sơn được tiến hành thủ công, việc thu thập số liệu để so sánh qua từng thời kỳ cũng không được tiến hành thường xuyên. Nếu quản lý bằng phương pháp 3D thì chúng tôi có thể so sánh cùng một vị trí ở từng thời điểm khác nhau như đầu năm và cuối năm, thậm chí sau một cơn mưa, trận bão", ông Hường nói.
Khảo sát, quản lý đền tháp Mỹ Sơn bằng giàn sắt có nguy cơ ảnh hưởng đến hiện trạng của quần thể khu di tích này. |
Được biết, hiện tại UNESCO có nguồn tài trợ 200 triệu đồng cho chương trình khảo nghiệm được thực hiện từ nay đến cuối tháng 9-2014. Nếu hình ảnh, số liệu do 3DSCAN VN thực hiện tạo hiệu ứng tốt cho chương trình triển lãm, quảng bá thì sẽ kêu gọi tài trợ đổi mới công nghệ quản lý, phục vụ tốt cho công tác bảo tồn, trùng thu. Theo lãnh đạo BQL di tích và du lịch Mỹ Sơn, hiện tại quần thể khu di tích này đang rất cần một phương án quản lý hiện trạng mới và tối ưu hơn, và máy quay chuyên dụng từ trên không là phương pháp rất phù hợp.
Việc phục dựng hình ảnh bằng công nghệ 3D (từng áp dụng tại khu di tích Nhà lao Hội An, cũng nằm trong khuôn khổ dự án tu bổ, tôn tạo di tích) sẽ cho phép cơ quan quản lý, các chuyên gia phân tích dựa trên cái nhìn cận cảnh đối với những khu vực chi tiết mà từ trước tới nay không quan sát được bằng mắt thường. Không những thế, nó còn được tiến hành định kỳ hoặc bất kỳ lúc nào cần thiết. Chính vì vậy, các phương án bảo vệ cũng có thể được tiến hành thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Công Hường cũng thông tin, ý tưởng này cũng được UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải tìm được nguồn tài trợ thì mới có thể đầu tư công nghệ. "Hiện tại chúng tôi chỉ mới cử người theo họ để học hỏi về thao tác, cách làm, hệ thống máy móc hiện đại này chắc chắn rất tốn kém. Phải có nguồn hỗ trợ thì mới có thể tiến hành được", ông Hường cho biết.
Đông A