Quản lý xả thải ven biển phía đông Đà Nẵng: Còn nhiều bất cập
Qua giám sát, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay tại 2 quận ven biển Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có 1.245 cơ sở kinh doanh đang hoạt động nhưng chỉ có 49 doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường theo quy định. Nhiều cơ sở chưa hoàn thiện thủ tục liên quan đến công tác đấu nối, thi công đấu nối chưa đồng bộ, chưa đảm bảo theo quy định. Nước thải ở khu vực này chủ yếu qua 2 cửa xả ra biển là Mỹ Khê (Q. Sơn Trà) và Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn). Những ngày trung tuần tháng 12-2018, khi Đà Nẵng mưa lớn, lượng nước mưa kèm nước thải từ hai cống xả này ra biển cũng chảy hết công suất, thậm chí gây sạt lở hai bên bờ kè. Qua kiểm tra các công trình ven biển, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT), Sở Xây dựng, UBND Q. Sơn Trà phát hiện 9 trường hợp xả nước ngầm trong quá trình thi công hố móng công trình vào hệ thống thoát nước chung của TP không đúng theo cam kết. Sở TN-MT đã xử lý theo thẩm quyền đối với 5 đơn vị với tổng số tiền phạt là 440 triệu đồng; chuyển Sở Xây dựng và UBND Q. Sơn Trà xử lý vi phạm đối với 4 đơn vị.
Nước thải xả ồ ạt, gây sạt lở tại cửa xả Mỹ An. |
Thủ tục rườm rà, bất cập
Hiện nay, quy trình đấu nối xử lý nước thải được thực hiện theo Quyết định số 1350/QĐ-UBND ngày 9-3-2015 của UBND TP Đà Nẵng, trong đó tổng thời gian quy trình cấp phép đấu nối mới là 13 ngày, đối với trường hợp gia hạn là 9 ngày. Quy định này hiện bộc lộ nhiều bất cập, rườm rà, qua nhiều cửa, nhiều cơ quan xét duyệt khiến người dân, DN lúng túng. Cụ thể: Việc xác nhận đấu nối thoát nước do Cty Thoát nước và xử lý nước thải (TN&XLNT) đảm nhận; cấp phép đấu nối lại do Sở Xây dựng; cấp phép thi công lắp đặt đấu nối hệ thống thoát nước do Sở GT-VT. Vì vậy, người dân, cơ sở kinh doanh khi có nhu cầu đấu nối xử lý nước thải phải đi theo một quy trình khá rườm rà: đầu tiên gửi hồ sơ đến Cty TN&XLNT, sau đó Cty này chuyển đến Sở Xây dựng xét duyệt; xong công đoạn này Sở Xây dựng chuyển hồ sơ cho Sở GT-VT; qua được “cửa” của Sở GT-VT, hồ sơ lại quay về Sở Xây dựng, Sở này mới chuyển về Cty TN&XLNT và sau đó mới trả lời cho người dân...
Tại cuộc họp với thường trực HĐND TP tháng 10-2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, quy trình trên là quá rườm rà, gây khó khăn cho người dân và DN, càng qua nhiều cửa thì càng quan liêu, dựa dẫm vào nhau, Vì vậy Chủ tịch UBND TP đề nghị cần tập trung vào một đầu mối là Cty TN&XLNT, người dân hoặc DN chỉ cần liên hệ với Cty, còn các bước tiếp theo là của Cty với các cơ quan chức năng.
Một bất cập khác là Cty TN&XLNT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đô thị và chịu trách nhiệm chính trong trường hợp nước thải chảy tràn ra biển gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Cty này lại không có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm, vì vậy trong trường hợp cần kiểm tra Cty không nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp, hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chưa có quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm... nên hiệu quả công tác quản lý, giám sát chưa cao.
Nước thải tại cửa xả Mỹ Khê xả thẳng ra biển. |
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị
Những năm gần đây, tốc độ phát triển của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khu vực phía đông Đà Nẵng quá nhanh nhưng cho đến nay các đơn vị quản lý vẫn chưa điều tra và khảo sát được số lượng các điểm đấu nối xả thải, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu hiện trạng để phục vụ công tác quản lý, đầu tư, xây dựng. Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ thì các nhà hàng ăn uống có diện tích phục vụ dưới 200m2 thì không cần đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, tuy nhiên trong thực tế hiện nay số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ này hiện chiếm số lượng lớn và cũng là những nơi xả thải chủ yếu ra môi trường nhưng cơ quan quản lý không thể kiểm tra, xử lý. Nhiều tồn tại trong công tác quản lý thoát nước và xả thải như: Việc thiết kế, thi công hệ thống cống thoát nước không bố trí hố ga và đường ống chờ đấu nối kèm theo. Do không có quy định cụ thể về đấu nối nên người dân và các cơ sở kinh doanh chỉ đấu nối tại những vị trí cống gần nhất, sau đó hoàn trả lại vỉa hè nên việc kiểm tra, quản lý xả thải rất khó khăn. Tại nhiều tuyến đường, quá trình cải tạo vỉa hè đã lát gạch phủ lên trên nắp hố ga hiện hữu nên rất khó khăn khi kiểm tra, giám sát, quản lý vận hành, phát sinh chi phí tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng trong quá trình nạo vét, kiểm tra đấu nối... Các khách sạn có quy mô dưới 100 phòng phần lớn công trình xử lý nước thải được xây dựng dưới tầng hầm để xe, văn phòng, kho chứa đồ... dẫn đến không đảm bảo điều kiện kỹ thuật trong vận hành hệ thống xử lý nước thải. Ở nhiều DN, nhân viên vận hành xử lý nước thải không có chuyên môn, có nơi sử dụng nhân viên cơ điện làm nhiệm vụ vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Hiện nay, Ban Đô thị đã kiến nghị các giải pháp quản lý việc xả thải ven biển, trước mắt là cải tạo, nâng cấp các cửa xả đảm bảo khả năng thu gom, xử lý nước thải, hạn chế thấp nhất ô nhiễm từ các cửa xả vào các bãi tắm du lịch; tăng cường nạo vét hệ thống thoát nước hiện trạng. Về lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị, đặc biệt là dự án cải thiện môi trường nước phía đông Q. Sơn Trà; UBND TP cần có quy định về quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp; phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác phối hợp, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm; có giải pháp kiểm soát nguồn và lượng xả thải để tránh thất thu ngân sách; xây dựng quy định về bảo vệ môi trường, đấu nối xả thải cụ thể với nhà hàng, quán ăn diện tích dưới 200m2 khu vực ven biển phía đông; lắp đặt đồng hồ kiểm soát lượng nước thải cho các công trình dịch vụ ven biển; khuyến khích việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý cho các hoạt động của doanh nghiệp như tưới cây, nước cho PCCC...
K.T