Báo Công An Đà Nẵng

QUẬN NGŨ HÀNH SƠN (Tiếp theo)

Chủ nhật, 04/10/2015 07:15

VI. KHU TÁI ĐỊNH CƯ BÁ TÙNG GIAI ĐOẠN 1, 2A, 2B (Sơ đồ số 13): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Mai Đăng Chơn: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.270m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: CAO HỒNG LÃNH

CAO HỒNG LÃNH (1906-2008)

Ông có tên thật là Phan Hải Thâm, thường gọi là Phan Thêm, Năm Thêm; quê ở làng Minh Hương, thị xã Hội An, nay thuộc phường Minh An, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1925, ông từ Trường Dòng ở Huế về quê bắt đầu hoạt động, cùng thanh niên trong làng vận động cải lương hủ tục, chống cường hào... Năm 1926, ông vận động và tập hợp thanh niên, học sinh, trí thức cùng đọc và lưu truyền nhiều loại sách báo tiến bộ, tham gia phong trào đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu trinh tại Huế.

Năm 1927-1928, ông ra Quảng Trị, sau đó gia nhập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Về lại Hội An, tại chính căn nhà của gia đình mình, ông triệu tập những đồng chí của mình và chủ trì thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thị xã Hội An gồm có 3 đồng chí do ông làm Bí thư. Trong thời gian này, ông tích cực tìm cách liên lạc để có được các tài liệu quý như: Điều lệ Thanh niên, Cách mạng Nga, Đấu tranh giai cấp, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường kách mệnh

Năm 1934, ông đi Hương Cảng, Quảng Châu rồi lên Nam Kinh (Trung Quốc), sau đó ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, ông được điều về Côn Minh và được gặp đồng chí Vương (Nguyên Ái Quốc) và đổi tên thành Cao Hồng Lãnh, tham gia tổ công tác ở Chi bộ Đảng tại Côn Minh, trực tiếp quản lý cơ quan bí mật của Đảng, tổ chức in báo, đưa đón cán bộ cách mạng từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Năm 1941, với bí danh Hải An, ông tham gia trong việc tổ chức đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về Pắc Bó. Sau đó, ông là Đại biểu tham dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; ông cũng là thành viên trong nhóm cán bộ gần Bác Hồ nhất, giúp Thường vụ Trung ương Đảng xử lý những vấn đề nóng bỏng, phức tạp trong những ngày Cách mạng tháng Tám và sau đó.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử là thành viên của Đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Trưởng đoàn vào Nam Bộ, rồi được cử làm Ủy viên Ban kháng chiến Nam Bộ.  Năm 1948, ông sang Hồng Kông để tổ chức một kênh tiếp viện bí mật bằng đường thủy từ Hồng Kông về Sài Gòn và nhiều nơi khác.

Năm 1951-1957, ông về nước tham dự Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; sau đó, ông được giao nhiệm vụ phụ trách các công việc quan trọng của Biện sự xứ như: Ban tài vụ, nhà in, công tác tiếp vận, công tác Việt kiều… ở Quảng Đông, Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc). Năm 1959-1977, ông làm Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, phụ trách Ban Cán sự Đảng ngoài nước.

Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc…

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2010.

VII. KHU ĐÔ THỊ HÒA HẢI H1-3 (GIAI ĐOẠN 2): Sơ đồ số 14: 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trường Sa, điểm cuối là đường Lê Văn Hiến: Mặt đường có đoạn bằng bê tông nhựa, có đoạn bê tông xi măng; chiều dài 585m; rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 7-8m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN HỮU CẦU

NGUYỄN HỮU CẦU (?-1751)

Ông còn có tên gọi khác là Quận He, là thủ lĩnh trong cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài vào giữa thế kỷ 18, không rõ năm sinh; quê ở làng Lôi Động (còn gọi là Đồng Nổi), xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Từ những năm 1737-1738, ông đã có những hoạt động chống đối chính quyền địa phương. Năm 1739, ông gia nhập nghĩa quân Nguyễn Tuyển. Cuối năm 1740, cuộc khởi nghĩa Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Hải Dương thất bại, ông tiếp tục hoạt động và chuyển căn cứ về Đồ Sơn (Hải Phòng). Với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, ông đã huy động được hàng chục vạn nông dân nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền họ Trịnh.

Nghĩa quân ngày càng phát triển, mở rộng hoạt động khắp vùng Hải Dương, Quảng Yên và lan sang Kinh Bắc. Đi đến đâu, ông cũng giải quyết nạn đói cho dân. Hàng mấy vạn người nghèo khổ đi theo quân của ông từng kéo về uy hiếp Thăng Long. Bấy giờ, đồng thời với ông, ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng còn có khởi nghĩa do Hoàng Công Chất lãnh đạo. Tuy không hợp nhất, nhưng ông và Hoàng Công Chất đã liên minh khá chặt chẽ với nhau. Điều này khiến cho Trịnh Doanh rất lo sợ.

Tại Đồ Sơn, để có danh nghĩa tập hợp nhân dân, ông xưng là Đông Đạo Tổng quốc Bảo dân Đại tướng quân. Trận đánh có quy mô lớn đầu tiên do đích ông chỉ huy là trận đánh vào Lão Phong. Sau đó, Trịnh Doanh sai Trịnh Bảng đem chiến thuyền tới đàn áp, ông cho quân đánh khiến Trịnh Bảng nhanh chóng tan vỡ. Sau trận thua này, Trịnh Doanh hạ lệnh và phong cho Hoàng Ngũ Phúc chức Thống lĩnh đạo kỳ binh, cùng Hoàng Công Kỳ đến đánh nghĩa quân của ông ở núi Đồ Sơn, nhưng ông đã phá vây ra và về đánh lấy thành Kinh Bắc.

Hoàng Ngũ Phúc đem binh về, sau cùng với Trương Khuông quay lại đánh lấy lại thành Kinh Bắc, tuy nhiên nghĩa quân của ông đã phá quân của Trương Khuông ở làng Ngọc Lâm, đuổi quân của quan thống lĩnh Đinh Văn Giai ở Xương Giang, rồi lại về vây dinh Thị Cầu. Sau đó, Trịnh Doanh lại tiếp tục sai Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đem binh đến đánh ông nhiều lần. Tháng 2/1751, Phạm Đình Trọng đem đại quân đánh gấp vào Hương Lãm. Ở đây, sau nhiều năm chiến đấu mệt mỏi, thế đã cùng, lực đã kiệt, ông thua trận, bị bắt và bị đóng cũi giải về Thăng Long. Tháng 3/1751, ông bị Trịnh Doanh xử tử cùng một lần với Nguyễn Danh Phương.

* Tài liệu tham khảo chính: Danh tướng Việt Nam, tập 3, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục, 2005.

VIII. KHU TĐC SỐ 9 PHỤC VỤ DỰ ÁN CÔNG VIÊN VHLS VÀ KHU TĐC PHÍA TÂY FPT (Sơ đồ số 15): 09 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là khu quy hoạch, điểm cuối là đường Trà Khê 5 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 200m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 1

Trà Khê là tên làng cổ, trước đây thuộc xã Hòa Hải (Hòa Vang), nay thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trà Khê 1 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường quy hoạch 10,5m: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 165m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 2

3. Đoạn đường có điểm đầu là khu vực đang thi công, điểm cuối là đường Trà Khê 5 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 205m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 3

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trà Khê 2, điểm cuối là đường Trà Khê 5 (02 đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 170m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 4

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, điểm cuối là đường quy hoạch 10,5m: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 235m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 5

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 250m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 6

7. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường Trà Khê 6 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên : Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 235m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 7

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trà Khê 7, điểm cuối là đường Trà Khê 9 (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 75m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 8

9. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trà Khê 6, điểm cuối là đường Trà Khê 7 (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 110m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ KHÊ 9

IX. KHU TÁI ĐỊNH CƯ ĐÔNG TRÀ - HÒA HẢI (Sơ đồ số 16): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ Chí Công, điểm cuối là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 580m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: HUỲNH VĂN NGHỆ

HUỲNH VĂN NGHỆ (1914-1977)

Ông quê ở làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; là một nhà hoạt động cách mạng, một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một nhà thơ lớn… Lẫy lừng trong vai trò chiến sĩ, lẫn sự nghiệp văn chương, ông đã để lại một huyền thoại đẹp về người anh hùng kiêm thi sĩ…

Thuở nhỏ, ông học bậc tiểu học tại làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên và học rất giỏi. Nhờ đó, năm 1928, sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, ông đã giành được học bổng bậc trung học của Trường Petrus Ký. Năm 1932, ông đỗ bằng Thành chung, sau đó ông ra làm viên chức tại Sở Xe lửa Sài Gòn. Thời gian này, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội vào năm 1936, bắt đầu hoạt động làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) đăng trên các báo ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ.

Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất. Năm 1942, ông bị phát hiện và bị truy bắt, nhưng ông kịp đào thoát sang Thái Lan, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, ra tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi Việt kiều hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng.

Năm 1944, ông trở về nước bắt liên lạc với ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và được giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên. Năm 1945, ông được giao nhiệm vụ là Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tại Biên Hòa và tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám, trực tiếp chỉ huy bắt sống tỉnh trưởng và cảnh sát trưởng tỉnh Biên Hòa, rồi Chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa, cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến miền Đông.

Năm 1946, ông được cử làm Khu bộ phó Khu 7. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn tại miền Đông. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1946, ông đã chỉ huy 8 trận tấn công lớn của địch vào Chiến khu Tân Uyên - Lạc An. Đặc biệt, với trận La Ngà ngày 1/3/1948, tiêu diệt 2 Đại đội địch, 63 xe camions và thiết giáp, đơn vị của ông được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công, riêng ông được Hồ Chủ tịch gửi tặng một chiếc áo trấn thủ.

Năm 1950, ông làm Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu 7. Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập và làm Phó Cục trưởng Cục Quân huấn. Sau đó, ông chuyển sang làm Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1965, ông về miền Nam tham gia chống Mỹ và công tác tại Trung ương Cục miền Nam, giữ các cương vị Trưởng ban Căn cứ, Phó ban Kinh tài và Trưởng ban Lâm nghiệp. Sau khi đất nước thống nhất, ông làm Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

Ông đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2010); Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm “Chiến khu xanh”, “Bên bờ sông xanh”, “Rừng thẳm sông dài”. Ông để lại một số tác phẩm tiêu biểu khác như: Nhớ Bắc (1940), Thanh niên (1940), Quê hương rừng thẳm sông dài, Tiếng hát giữa rừng…

* Tài liệu tham khảo chính:

            - Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.

            - Báo Quân đội nhân dân, Thứ Tư, 14/09/2011.

- Báo An ninh thế giới online, 31/12/2014.

X. KHU LÀNG ĐÁ MỸ NGHỆ NON NƯỚC (Sơ đồ số 17): 02 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hoàng Văn Lai, điểm cuối là đường Mai Đăng Chơn: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 335m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: HOÀNG VĂN LAI

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Quán Khái 9, điểm cuối là đường Hoàng Văn Lai: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 715m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHẠM NHƯ HIỀN

PHẠM NHƯ HIỀN (1930-1983)

            Ông còn có tên gọi khác là Kim, quê ở khu Hải Châu, nay là phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

            Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1946. Năm 1951, ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.

            Năm 1967, Mặt trận Quảng Đà thành lập, ông được điều về làm Quận đội trưởng quận Nhất Đà Nẵng. Ông đã củng cố phát triển lực lượng Tự vệ khu phố, Tự vệ ngành, tổ chức xây dựng Đội biệt động 1, 2, 3 trực thuộc quận… Năm 1968, ông lập ra tổ chức Đại đội Đặc công biệt động Lê Độ. Năm 1969, ông tham gia tổ chức lực lượng Biệt động cánh gồm: cánh tây, cánh đông, cánh trung và cánh giữa, tạo ra sự phối hợp tác chiến bên trong thành phố nhằm chủ động tiến công quân địch.

            Năm 1971, ông làm Phó Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, kiêm Quận đội trưởng quận Nhất Đà Nẵng. Ông là người chỉ đạo những trận đánh nổi tiếng trong nội thành Đà Nẵng như: trận đánh Quân vụ thị trấn; trận đánh Kho bom Phước Lý; đánh diệt mâm Hội đồng khu phố Thạch Thang, Nại Hiên, Thạc Gián…

            Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì); 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba).

            *Tài liệu tham khảo chính: Báo Đà Nẵng điện tử, Thứ 6, ngày 20/7/2012.

XI. KHU TÁI ĐỊNH CƯ TÂN TRÀ (Sơ đồ số 18): 02 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trường Sa, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 720m, rộng 2x10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: GIẢI PHÓNG

GIẢI PHÓNG

Giải phóng là một thuật ngữ xã hội. Thuật ngữ “Giải phóng” còn có ý là giải thoát cho một tập thể, một giai cấp, một dân tộc thoát khỏi cảnh áp bức, đè nén, bóc lột, bị tước đoạt hết quyền làm người, quyền tự do dân chủ.

Tại nước ta, từ ngày đầu thực dân Pháp đặt ách thống trị, rồi đến Nhật, Mỹ, những người yêu nước đã đứng lên tranh đấu để giải phóng dân tộc. Nhiều tổ chức, nhiều mặt trận, nhiều phong trào mang tên giải phóng ra đời. Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, nước ta hoàn toàn thống nhất và bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

2. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường Phan Đình Thông, điểm cuối là đường Việt Bắc: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 585m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN VĂN GIẢNG

TRẦN VĂN GIẢNG (1930-2001)

 Ông có bí danh là Đơn, quê ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

 Năm 1945-1950, ông là du kích xã Hòa An trực thuộc Mặt trận Chùa, Ủy viên Ban Chấp hành Xã đoàn phụ trách Huấn học và được kết nạp vào Đảng năm 1949. Năm 1950-1952, ông làm Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội tập trung, Cán bộ Ban Chính trị xã đội xã Hòa Quý, Hòa Vang. Năm 1953-1954, ông làm Chi ủy viên Chi bộ và Vùng Đội trưởng dân quân vùng 20 - xã Thăng An (nay là xã Bình Dương), Thăng Bình. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và làm Chi ủy viên, Đại đội Công trường 1 Hà Đông.

Năm 1956-1959, ông là Chi ủy viên Chi bộ chiếu bóng. Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, Ủy viên Thường vụ Đoàn Thanh niên Ty Văn hóa Nghệ An, phụ trách Đội chiếu bóng 55. Năm 1960-1967, ông làm Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động 109, trong thời gian này ông là người đầu tiên sáng tạo ra loại đèn chai che gió, giảm sáng và hình thành nên loại rạp chiếu phim lưu động dã chiến “trùm chăn xem phim” không để ánh sáng lọt ra ngoài, giúp người dân an tâm khi xem phim ngay vào thời điểm chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất. Về sau, mô hình rạp chiếu phim lưu động của ông được nhân rộng trên toàn miền Bắc. Tại Đại hội Thi đua toàn quốc tháng 1/1967, Đội Chiếu phim lưu động 109 được xem là điển hình trong ngành chiếu bóng và ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngành văn hóa.

Năm 1967-1975, ông làm Phó Chủ nhiệm Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghệ An, Bí thư Chi bộ. Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy khối Văn xã tỉnh Nghệ An. Bí thư Đảng ủy Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh Nghệ An. Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghệ An. Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An.

Năm 1975, ông làm Đoàn trưởng Đoàn cán bộ ngành Điện ảnh vào Nam. Về công tác tại tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1975-1993, ông làm Giám đốc Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng, Chi hội trưởng Hội Điện ảnh Việt Nam; Chi hội trưởng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

  Ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (1967); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen của các cấp.

*Tài liệu tham khảo chính: - Hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

                                            - Tư liệu do UBND quận Ngũ Hành Sơn cung cấp