Quân và dân Quảng Đà trong những thời khắc lịch sử
(Cadn.com.vn) - Ngày 27-1-1973, tin vui Hiệp định Paris được ký kết về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, buộc quân đội mỹ và quân chư hầu phải rút hết về nước, nhanh chóng truyền báo đến toàn thể bộ đội, du kích và nhân dân vùng giải phóng, vùng giáp ranh tỉnh Quảng Đà. Đón hưởng thời khắc lịch sử đó của đất nước, Bộ đội, An Ninh, Đặc công, Biệt động thành, du kích và quần chúng nhân dân vùng giáp ranh khẩn trương các hoạt động cắm cờ giải phóng, đóng cột tiêu, tạo đường ranh giới tạm thời giữa ta và địch, chuẩn bị các loại phương tiện để tiến hành công tác địch vận...
Đại tá Lê Công Thạnh (giữa) cùng với các cán bộ tại buổi giao lưu - truyền hình trực tiếp nhân Ngày giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Phát |
Nhưng, sau 2 ngày Hiệp định Paris được ký kết, ngày 29-1-1973, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ngang ngược tuyên bố phá hoại hiệp định Paris, không chấp hành lệnh ngừng bắn của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, quân và dân Quảng Đà tại các vùng giáp ranh đồng loạt nổi dậy đấu tranh chống phá hoại của quân địch. Trong đó, lực lượng An ninh, Bộ đội Đặc công, Biệt động thành Quảng Đà nhanh chóng triển khai đội hình, bí mật cử các tổ đội công tác, cá nhân, tiếp cận thị trấn, thị tứ, vị trí quan trọng và nơi ẩn náu của bọn ác ôn, chỉ điểm để theo dõi, khống chế. Đồng thời, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiến hành công tác tuyên truyền, tập trung vào những nội dung quan trọng của Hiệp định Paris, và lệnh ngừng bắn của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam, làm cho nhiều binh lính, kể cả một số sĩ quan địch đã bỏ súng chiến đấu chạy sang vùng giải phóng. Đặc biệt, trong các ngày 27 và 28-1, tại thị xã Hội An có các đơn vị địch "tự binh biến" đầu hàng Quân giải phóng, khiến cho bọn chỉ huy tại đây phải dùng đến vũ khí bắn chặn, vây bắt và ra lệnh "thiết quân luật".
Từ đó, tại các vùng giáp ranh các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Núi Thành, Hòa Vang, bọn chỉ huy địch cho binh lính nhổ cờ, cọc tiêu cắm lấn sâu vào phần đất của ta, khiến tình hình chiến trường phức tạp trở lại. Tuy nhiên, quần chúng nhân dân và các lực lượng vũ trang mặt trận 44 Quảng Đà đã dũng cảm ngăn chặn, quyết trụ bám, quyết không để cho quân địch lấn chiếm. Đồng thời, kiên trì tiến hành công tác địch vận, làm cho sĩ quan, binh sĩ địch hiểu biết về những cam kết các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là: "Độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam, chấm dứt mọi dính líu vào nội bộ Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam". Nhờ kiên trì làm tốt công tác địch vận nên ta tiếp tục vận động được nhiều binh lính địch đầu hàng chạy sang vùng giải phóng, để hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng, sớm về đoàn tụ với gia đình.
Nắm biết trước âm mưu phá hoại, lấn chiếm của địch, Lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà đã có chủ trương kiên quyết, đánh trả quân địch vi phạm hiệp định tại các vùng giáp ranh, bằng 3 mũi giáp công: "Quân sự, Chính trị, Binh địch vận", từng bước chiếm lại những địa bàn bị quân địch lấn chiếm. Tiếp tục bổ sung lực lượng, giữ vững các tuyến thông thương qua lại, đẩy mạnh các hoạt động đánh sâu vào nội thành, thị xã, thị trấn, nông thôn, mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân.
Sau tuyên bố của Nguyễn Văn Thiệu, quân địch mở nhiều trận đánh lớn cấp trung đoàn, sư đoàn, có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ vào các vùng giáp ranh của huyện Duy Xuyên, vùng A-B Điện Bàn, phía Bắc sông Thu Bồn, vùng B Đại Lộc. Trước sự ngang ngược vi phạm hiệp định của địch, buộc quân ta phải chiến đấu, trừng trị, tiêu diệt quân lấn chiếm. Tại địa bàn 2 xã Xuyên Thanh, Xuyên Hòa (dãy núi Dương Thông, Dốc dựng, Vĩnh Trinh) H. Duy Xuyên, quân ta đã tổ chức tiểu đoàn 1 và 2 phối hợp với lực lượng vũ trang huyện đánh trả quyết liệt, gây cho địch thiệt hại, thương vong lớn về người và vũ khí. Sư đoàn 2 (QK5) tăng cường cho Mặt trận 44 các Bệ phóng M72 chi viện kịp thời cho lực lượng chiến đấu, bắn cháy nhiều xe tăng, thiết giáp địch, những chiếc còn lại phải tháo chạy trước loại vũ khí phóng loạt khủng khiếp này của ta. Trên hướng Điện Bàn, quân địch sử dụng Sư đoàn 3 bộ binh, và Biệt động quân với sự yểm trợ của pháo binh từ hướng Vĩnh Điện, núi Bồ Bồ, Phước Tường bắn chi viện, nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng vũ trang huyện, quyết chiến đấu, không để quân địch lấn đất, giành giật cờ lấn chiếm đất tại 3 xã Gò Nổi và phía Bắc sông Thu Bồn. Thua đau trên các hướng Duy Xuyên, Điện Bàn, quân địch điên cuồng điều động lực lượng chiến đấu đông, mạnh về hỏa lực vượt sông Vu Gia, sông Giao Thủy đánh chiếm vùng B Đại Lộc. Nhưng địa bàn này đã biến thành nơi chôn thây quân giặc, khi các các lực lượng chiến đấu của trung đoàn 38, tiểu đoàn 1; Quân khu 5 tăng cường tiểu đoàn đặc công 409 và lực lượng vũ trang huyện mai phục, đón sẵn bắn cháy nhiều xe lội nước, nhiều tên địch bỏ mạng, số tên sống sót tháo chạy tán loạn.
Lập nên chiến công lớn trên địa bàn vùng giáp ranh tại các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành, thị xã Hội An, Hòa Vang, địa bàn hoạt động của Mặt trận 44 Quảng Đà (từ tháng 1 đến tháng 3-1973) có công phối hợp chiến đấu của 2 Đoàn pháo binh ĐKB 575, 577, và các đơn vị bộ binh của Bộ tăng cường đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu với quân dân Mặt trận 44, góp phần đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm vi phạm Hiệp định Paris của quân địch.
Nguyễn Nhân Mùi
(Viết theo lời kể của Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44 Quảng Đà).