Báo Công An Đà Nẵng

Quảng bá sản phẩm "Rượu cần Phú Túc"

Thứ sáu, 14/01/2022 15:29

Tin vui đến với đồng bào Cơ Tu Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vào những ngày đầu năm 2022 là được các ngành chức TP năng thẩm định, công nhận "Rượu cần Phú Túc" là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021.

Xã Hòa Phú (H. Hòa Vang) tổ chức Hội nghị giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm "Rượu cần Phú Túc".

Già làng Cơ Tu thôn Phú Túc Đinh Văn Trí phấn khởi trải lòng: "Đối với người dân miền núi, ở đâu có rượu cần là ở đó có niềm vui, có tiếng cười và sự giao lưu thân ái". Không ít người đã coi rượu cần như một biểu tượng của niềm vui, tình đoàn kết, là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm dấu ấn của núi rừng và thiên nhiên hoang dã. "Nếu Đảng và Nhà nước không triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì có lẽ 130 hộ dân nơi đây đã quên hẳn việc đỏ lửa bếp rượu cần. Trước đây, mình làm rượu theo bí quyết ông cha truyền lại. Cứ 10 ché thì chỉ có khoảng 3 ché đạt yêu cầu. Giờ thấy con cháu được đi học cách thức sản xuất bài bản, mình mới vỡ lẽ rượu cần cũng phải tuân thủ đúng quy trình thì rượu mới ngon, đỡ tốn nguyên liệu, công sức", già Trí xác nhận.

Còn nhớ, khi dẫn đoàn thanh niên trong thôn Phú Túc tham quan, học tập sản xuất rượu cần tại H. EaLeo (Đắk Lắk) theo Chương trình đạo tào nghề cho lao động miền núi, lúc đó nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Vân đã nung nấu việc xây dựng, bảo tồn và phát triển làng nghề mang thương hiệu "Rượu cần Phú Túc" ở địa phương mình, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số. "Trong khi những người tâm huyết đang ngày càng già đi, lớp trẻ có xu hướng xa quê, tìm hướng phát triển, thì việc giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết. Cần phải làm cho thanh niên làng nghề thấy được nếu "trụ" lại với làng nghề cũng là một trọng trách của mình và được xã hội đánh giá cao. Điều cần thiết là để người trẻ làm sống lại nghề truyền thống của cha ông và quảng bá được nét văn hóa độc đáo với du khách bốn phương, mà còn mở ra một hướng đi tích cực về làm kinh tế, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo", ông Vân tâm sự.

Còn theo ông Lê Văn Nghĩa - Chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh Rượu cần Phú Túc, rượu cần luôn được xem là "đặc sản" của đồng bào các dân tộc miền núi. Uống rượu cần là tập tục không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như khi dùng để tiếp đãi khách quý. Ngày trước ở làng này, nhà nào cũng có vài ché rượu cần để trong nhà để sử dụng trong những dịp cúng bái, hiếu hỉ. Ngày lễ hội cơm mới, bà con lại quây quần tại nhà Gươl cùng nhâm nhi ché rượu cần và kể cho nhau nghe chuyện mùa màng, nương rẫy… "Việc được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ tạo cơ hội cho rượu cần Phú Túc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tạo chỗ đứng và niềm tin nơi người tiêu dùng, khách hàng nên mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng sản lượng tiêu thụ trong năm 2021 vẫn tăng so với năm 2020. Dự kiến năm 2022, cơ sở sẽ sản xuất khoảng 3.000 ché các loại…", ông Nghĩa cho biết thêm.

Có thể nói, Đà Nẵng không chỉ được bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến như là điểm kết nối các di sản văn hóa thế giới của hai tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và nhiều tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng mà còn là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời với chuỗi các làng nghề thủ công truyền thống, gắn bó với đời sống bình dị của người dân. Tuy nhiên, để đưa các làng nghề vào khai thác phục vụ phát triển du lịch cần có sự phối hợp của các cấp ngành, doanh nghiệp. Qua đó, mong muốn tìm ra những giải pháp thiết thực trong công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của những làng nghề thủ công; đồng thời mở ra một hướng đi mới cho sản phẩm "Rượu cần Phú Túc" thông qua hoạt động quảng bá du lịch tại địa phương.

VY HẬU