Báo Công An Đà Nẵng

Quảng bá văn hóa rượu cần

Thứ ba, 27/12/2016 09:38

(Cadn.com.vn) - Ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) hiện nay không chỉ có các điểm du lịch sinh thái mà còn có cả làng rượu cần của đồng bào Cơ Tu. Trong đó, hộ các ông Lê Văn Nghĩa, Lê Văn Hoàng đã góp phần làm nên thương hiệu "Rượu cần Phú Túc"... Bí thư chi bộ thôn Phú Túc Nguyễn Văn Lớ xác nhận: "Nếu Đảng và Nhà nước không triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì có lẽ 130 hộ dân Cơ Tu vùng thấp nơi đây đã quên hẳn việc đỏ lửa những bếp rượu cần". Cũng theo ông Lớ, sau khi thanh niên trong bản được tham quan, học tập sản xuất rượu cần tại H. Ea Leo (Đắc Lắc) theo Chương trình đạo tào nghề cho lao động miền núi, UBND xã Hòa  Phú đã nung nấu việc xây dựng, bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất rượu cần. Năm 2014, Tổ hợp tác sản xuất rượu cần được thành lập với dự kiến sản lượng 1.500 ché/năm. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc hệ trọng nhất là bảo đảm cho các sản phẩm thủ công của làng nghề ngày càng phát triển mà vẫn giữ được những đặc trưng vốn có... Ông Lê Văn Nghĩa cho biết: "Những năm gần đây, nhu cầu uống rượu cần của khách hàng ngày càng nhiều nên gia đình cũng kiếm thêm thu nhập. Để thu hút khách hàng, gia đình tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm và vấn đề an toàn vệ sinh lên hàng đầu. Tôi cũng như bà con mong muốn thương hiệu rượu cần nơi đây được đông đảo mọi người biết đến và đó cũng là cách giới thiệu văn hóa đặc trưng của dân tộc mình". Ông Nghĩa nhẩm tính, năm 2016, hộ ông sản xuất được 600 ché (bao gồm các loại từ 4-12 lít, giá bán từ 200-500 ngàn đồng/ché), trừ mọi chi phí ông lãi được 60 triệu đồng. Thu nhập đó không hề nhỏ đối với người dân miền núi. Hiện nay, các hộ đang tất bật chuẩn bị các mẻ rượu cần nguyên liệu mới (sử dụng nếp than Tây Giang thay gạo) với dự kiến sản xuất khoảng 600 ché các loại để kịp phục vụ Tết Nguyên đán 2017.

Quảng bá "Rượu cần Phú Túc" đến với người tiêu dùng.

Với người dân miền núi, rượu cần mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, sở dĩ gọi là rượu cần bởi là thức uống không thể không có khi gia đình, thôn bản có việc vui. Thêm vào đó, rượu được uống bằng cần trúc đã tạo nên không khí đông vui mang tính cộng đồng đoàn kết cao. Sản phẩm rượu cần Phú Túc hiện nay không chỉ tiêu thụ gói gọn ở địa phương mà đã có mặt nhiều nơi, người dân Đà Nẵng đi xa mang làm quà tặng, nhiều khách du lịch từ Bắc chí Nam, khách nước ngoài đến với địa phương cũng thích thú thưởng thức rượu cần và không quên khi về cũng mua vài ché để tiếp tục say men với người thân. "Sản xuất rượu cần không nặng nhọc nhưng lại được nhiều người ưa chuộng, những dịp lễ, Tết, người trong làng sản xuất ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Bây giờ, các hộ cung ứng không chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của các khu du lịch trên địa bàn, mà còn theo nhu cầu của khách phương xa nữa", anh Lê Văn Hoàng chia sẻ.

Điều đáng ghi nhận là từ khi bắt đầu sản xuất rượu cần bán ra thị trường, các hộ dân Cơ Tu nơi đây luôn cố gắng bảo đảm chất lượng để vừa lòng khách hàng và đã được các ngành chức năng TP cấp Giấy chứng nhận hợp quy đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, từ lâu, ché rượu cần đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của đồng bào các dân tộc miền núi. Điều phấn khởi hơn là 2 năm gần đây, thương hiệu "Rượu cần Phú Túc" đã được nhiều người biết đến. Bởi vì, tại các hội thi, hội diễn hay liên hoan văn hóa, văn nghệ trong và ngoài địa phương, hình ảnh rượu cần và ché rượu làm quà luôn có mặt, góp phần quảng bá văn hóa rượu cần đến với thị trường gần, xa.

Vy Hậu