Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam bất ngờ trước thông tin chỉ số cải cách hành chính tụt 20 bậc

Thứ bảy, 02/06/2018 12:43

Thông tin chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của Quảng Nam  bị tụt đến 20 bậc thực sự là cú sốc cho cơ quan quản lý và người dân Quảng Nam.

Cải cách hành chính là một trong những mục tiêu lớn của Quảng Nam trong thu hút đầu tư.

Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) - PAR INDEX năm 2017 do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố trong tháng 5 vừa qua, Quảng Nam đạt 73,27 điểm, đứng thứ 52 trong 63 tỉnh, thành phố. Kết quả trên cho thấy Quảng Nam tụt 20 bậc so với năm 2016 (đứng thứ 32 với 73,66 điểm). PAR INDEX năm 2017, Quảng Nam đạt điểm cao ở các lĩnh vực: tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với 15 điểm (tối đa 15,5 điểm); cải cách tài chính công đạt 6,07/7 điểm. Ngược lại, các lĩnh vực đạt thấp như: xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức viên chức chỉ đạt 8,89/16 điểm; cải cách thủ tục hành chính đạt 10,95/14,5 điểm...

Những số liệu thống kê trên đối với chính quyền Quảng Nam là vô cùng bất ngờ bởi cùng với việc Quảng Nam đang nỗ lực trở thành “cánh sếu đầu đàn” trong thu hút đầu tư tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì việc cải cách hành chính là bài toán đang được cả hệ thống chính quyền vào cuộc, nỗ lực giải quyết. Đáng chú ý, năm 2017 việc thành lập Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư (TTHCC&XTĐT) ở cấp tỉnh và ở một số địa phương đã tạo thuận lợi lớn cho người dân và doanh nghiệp. Những con số CCHC tăng lên từng ngày đã được khẳng định khi chỉ số PCI Quảng Nam lọt vào tốp 10 của cả nước. Giám đốc TTHCC&XTĐT Quảng Nam Võ Văn Hùng cho biết, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 1.310 thủ tục hành chính đưa vào tiếp nhận và giải quyết tại TTHCC&XTĐT tỉnh. Tất cả các thủ tục hành chính đưa vào thực hiện tại trung tâm được xây dựng quy trình giải quyết bảo đảm rõ trách nhiệm, thẩm quyền và được kịp thời cập nhật, niêm yết, công khai, minh bạch. Trong năm 2017, trung tâm đã giải quyết 47.207 hồ sơ, trong đó có 97,6% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn.

Bên cạnh đó, sự ra đời của TTHCC cấp huyện/ thị gồm Thị xã Điện Bàn, TP Hội An, TP Tam Kỳ cũng là một nỗ lực rất lớn của Quảng Nam. Điển hình như TTHCC TP Tam Kỳ  đã bố trí 20 cán bộ có năng lực chuyên môn vững vàng làm việc tại trung tâm. Bước đầu, trung tâm bố trí 18 quầy tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả trên các lĩnh vực; có đến gần 200 thủ tục hành chính của hơn 25 lĩnh vực thuộc 14 cơ quan, đơn vị được thực hiện tại trung tâm. Hiện tại, các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, tổ chức được cải cách theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Trước đây, một số thủ tục như đăng ký khai sinh, cấp bảo hiểm xã hội hoặc hộ khẩu thường trú cho trẻ dưới sáu tuổi, người dân phải chờ đến gần cả tháng trời, nay chỉ trong năm ngày là xong. Hay như đăng ký kinh doanh giảm từ năm ngày xuống còn một ngày; việc làm thủ tục chuyển trường và tiếp nhận học sinh giảm từ ba ngày xuống còn một ngày.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định địa phương đã thực sự đổi mới tư duy từ nền hành chính quản lý sang phục vụ. Việc kiểm soát thủ tục hành chính, chất lượng hệ thống các quy định, phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã được vận hành khá tốt. Chính vì vậy ông cũng rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin chỉ số CCHC bị tụt 20 bậc. Tuy nhiên, ngược lại với chỉ số PAR INDEX do Bộ Nội Vụ chấm thì chỉ số trong PCI hay PAPI về ý kiến người dân và doanh nghiệp đều rất tốt. Quảng Nam sẽ cho rà soát nguyên nhân và có hướng điều chỉnh  cần thiết trong thời gian tới.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác CCHC thì kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, các tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh  cũng được đề ra. Theo kế hoạch, đối tượng điều tra bao gồm: Người dân, các tổ chức đã thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ chọn ngẫu nhiên 3 UBND cấp xã (theo 3 loại đơn vị hành chính I, II, III) đo lường. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu việc khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, các tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn của tỉnh phải đảm bảo tuân thủ theo đúng kế hoạch, phương pháp thực hiện, nguồn lực được phân bổ; bảo đảm tiết kiệm và đạt kết quả và mục tiêu đề ra. Kết quả khảo sát sự hài lòng phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực tế để giúp các cơ quan hành chính xác định được mức độ hài lòng để có những giải pháp khắc phục những mặt tồn tại, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Dự kiến, trong tháng 3-2019, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chính thức công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018 trên địa bàn tỉnh.

ĐỒNG DAO