Quảng Nam bứt phá tăng trưởng
Kỳ họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh. Tham dự kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết.
Đến ngày 3-12 có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng đánh giá: Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2026, trong bối cảnh cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, KT-XH của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, tính đến ngày 3-12 có 14/17 chỉ tiêu ước đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh. Kinh tế phục hồi tích cực so với năm 2023; quy mô nền kinh tế ước đạt 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023.
Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng đề nghị các đại biểu tập trung một số nhóm vấn đề, trong đó trọng tâm là xem xét các báo cáo của UBND tỉnh và cơ quan liên quan, đánh giá những kết quả đạt được trên các lĩnh vực: KT-XH, quốc phòng - an ninh; công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ phát triển KT-XH trong năm 2025. Bên cạnh đó, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, bám sát vào các nội dung lớn, đó là vấn đề hoàn thiện thể chế; việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" và các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển KT-XH, hoàn thành các mục tiêu đề ra…
Thay mặt UBND tỉnh báo cáo kết quả phát triển KT-XH năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng cho biết, nền kinh tế của tỉnh năm 2024 phục hồi tích cực so với năm 2023; quy mô nền kinh tế ước đạt 129 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2024 ước tính tăng 7,1% (năm 2023 âm 8,4%). GRDP bình quân đầu người năm 2024 hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023. Ước thu ngân sách nhà nước là 26 nghìn tỷ đồng, đạt 110,2% dự toán; cơ cấu nguồn thu có sự chuyển biến. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư; tỉnh đã có nhiều sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Giáo dục, đào tạo được quan tâm với nhiều kết quả nổi bật. Các hoạt động văn hóa thể thao có nhiều khởi sắc. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, khởi sắc, thu hút nhiều lượt khách quốc tế. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện hơn. Thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đối tượng chính sách, an sinh xã hội. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hoạt động đối ngoại được củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Thực hiện các chương trình MTQG và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp của tỉnh vẫn gặp khó khăn với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới; công tác quản lý khoáng sản còn hạn chế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương còn nhiều ách tắc, chậm trễ…
Nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị
Tham dự và phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, năm 2024 Quảng Nam vượt qua mức tăng trưởng âm (năm 2023 âm 8,4%) để đạt được mức tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) gần 15,5% là nỗ lực rất lớn, hết sức có ý nghĩa. "Tôi đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các đồng chí đã đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước"- ông Nguyễn Đức Hải nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần tích cực, quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, kế hoạch 5 năm về KT-XH, tài chính ngân sách. Do đó, việc đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện thành công các giải pháp là nhiệm vụ hết sức quan trọng của kỳ họp lần này.
Về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh trong thời gian đến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản thống nhất, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị các cấp, ngành của tỉnh phải tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với những nội dung thiết thực, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, có lộ trình phấn đấu thực hiện để tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển KT-XH; tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Bám sát quyết tâm và chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy để hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận; quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, những người nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Quảng Nam cần quan tâm chỉ đạo, giám sát về kết quả, chất lượng giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri. Chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, chú trọng giải quyết ngọn nguồn, hiệu quả, kịp thời các ý kiến, kiến nghị, đơn, thư của cử tri, người dân. Đồng thời tháo gỡ các nút thắt về đất đai, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, kéo dài về bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư sau thu hồi đất; làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Kỳ họp thường lệ cuối năm kéo dài đến ngày 6-12, trong đó đáng chú ý là các nội dung chuyên đề sẽ được xem xét, bàn thảo, như: Đề án thành lập thị trấn Tak Pỏ thuộc huyện Nam Trà My; thành lập thị trấn A Tiêng thuộc huyện Tây Giang; mở rộng địa giới hành chính thị trấn Hương An thuộc huyện Quế Sơn; Quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên công tác ở miền núi cao tỉnh Quảng Nam,… Kỳ họp cũng tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc các nhóm vấn đề về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; về lĩnh vực đất đai, môi trường; việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu tái định cư vùng Đông của tỉnh…
TRẦN TÂN