Quảng Nam: Các biện pháp khắc phục tình trạng mất cân đối quỹ Bảo hiểm y tế
(Cadn.com.vn) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tình hình chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (KCB BHYT) tại hầu hết các cơ sở KCB BHYT trong tỉnh Quảng Nam đều có sự gia tăng, trong đó, nhiều cơ sở KCB BHYT có chi phí KCB gia tăng đột biến và xảy ra mất cân đối lớn quỹ KCB BHYT hơn 210 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, chiều 6-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về vấn đề trên.
BHXH Quảng Nam báo cáo tình hình KCB BHYT tại buổi làm việc chiều 5-9. |
Theo báo cáo của BHXH Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2016 có gần 1,6 triệu lượt người KCB BHYT (gồm KCB ngoại trú và điều trị nội trú), tổng chi KCB BHYT hơn 659 tỷ đồng, (trong đó chi KCB tại các cơ sở KCB BHYT trong tỉnh là 502 tỷ đồng, chi đa tuyến đi ngoại tỉnh hơn 157 tỷ đồng), so với quỹ KCB BHYT của 6 tháng đầu năm là 449 tỷ đồng, thì trong 6 tháng đầu năm 2016 mất cân đối quỹ KCB BHYT hơn 210 tỷ đồng. Trong đó có một số cơ sở KCB có số lượt người đến KCB gia tăng đột biến, cụ thể: Phòng khám Đa khoa tư nhân An Phước tăng 491,6%; Bệnh viện Đa khoa tư nhân Thái Bình Dương Tam Kỳ tăng 452,2%; Phòng khám Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam tăng 369,6%; Bệnh viện Đa khoa tư nhân Thăng Hoa tăng 354,2%...
Theo BHXH Quảng Nam, bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến tăng số lượt và chi phí KCB BHYT do thực hiện KCB BHYT thông tuyến huyện từ 1-1-2016; nguyên nhân do áp dụng tăng giá dịch vụ y tế (DVYT) theo quy định Thông tư số 37/2015/TTLT BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc thực hiện từ 1-3-2016; gia tăng số người tham gia BHYT; bệnh viện phát triển, mở rộng khoa phòng, đầu tư trang thiết bị y tế, phát triển các DVYT mới, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận và điều trị các bệnh nặng chi phí cao... thì tại một số cơ sở KCB BHYT vẫn còn phát sinh những nguyên nhân chủ quan làm gia tăng chi phí KCB BHYT như: Việc chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh dẫn đến gia tăng chi phí KCB (xét nghiệm nhiều lần, nhiều loại xét nghiệm cho một lượt KCB; chỉ định, sử dụng một số xét nghiệm chưa thật sự cần thiết theo yêu cầu chuyên môn, mục đích kiểm tra, thăm dò bệnh tật); định danh, áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật y tế không đúng quy định; một số cơ sở KCB BHYT không thực hiện xét nghiệm mà chỉ tính toán suy ra từ kết quả của các xét nghiệm khác; thống kê thanh toán trùng (nhiều trường hợp đã được cơ sở khám, chữa bệnh tổng hợp thành 2 lần đề nghị thanh toán, hoặc hai hồ sơ điều trị nội trú có trùng nhau một số ngày,... làm tăng chi phí KCB BHYT); thống kê tổng hợp những dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế ngoài phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua chưa được thực hiện tốt và chưa đồng bộ, các cơ sở KCB BHYT sử dụng các phần mềm KCB khác nhau nên chưa đảm bảo việc kết nối liên thông dữ liệu KCB, chưa giám sát việc KCB thông tuyến đã khó khăn trong công tác thống kê, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT.
"Đặc biệt, lợi dụng việc thông tuyến KCB BHYT để thu hút bệnh nhân BHYT, một số Cơ sở KCB BHYT, chủ yếu là các bệnh viện tư nhân đã tổ chức các đoàn đến tận các xã, huyện lân cận để KCB rồi phát thư mời cho người có thẻ BHYT về KCB tại bệnh viện; hằng ngày có nhiều chuyến xe đón người có thẻ BHYT tận nhà đưa về bệnh viện KCB, chủ yếu là đông y và phục hồi chức năng, rồi đưa về lại nhà. Vấn đề này về mặt pháp luật tuy không có quy định cấm nhưng về lĩnh vực KCB đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút người có thẻ BHYT, tạo tâm lý đám đông với số lượng lớn bệnh nhân đến KCB tại một số chuyên khoa (đông y, phục hồi chức năng) và tại một số bệnh viện, phòng khám (Bệnh viện tư nhân và phòng khám tư nhân) và điều quan trọng là không tạo ra sự công bằng đối với người có thẻ BHYT và các bệnh viện khác trên địa bàn"-ông Phạm Văn Lại, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam nói.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút người có thẻ BHYT |
Trước thực trạng trên, nhằm kiểm soát gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong các tháng cuối năm và trong những năm đến, góp phần hạn chế bội chi quỹ KCB BHYT, BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ tích cực chỉ đạo và tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản như: Tăng độ bao phủ người tham gia BHYT, đẩy mạnh lộ trình tiến đến BHYT toàn dân, tham mưu trình UBND, HĐND tỉnh tăng kinh phí hỗ trợ để mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng; tăng cường phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT khắc phục việc chỉ định, sử dụng, áp giá thanh toán DVYT không hợp lý; giám sát việc thực hiện giá mới theo quy định của Thông tư 37; tăng cường công tác kiểm tra KCB BHYT và giám định BHYT; phối hợp với Sở Y tế thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác khám, chữa bệnh BHYT tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường;...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh yêu cầu BHXH tỉnh, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cùng phối hợp chỉ đạo các cơ sở y tế KCB BHYT nhanh chóng khắc phục tình trạng âm quỹ. Trong đó, tập trung hoàn thành việc liên thông, kết nối dữ liệu KCB BHYT và ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin để làm tốt hơn công tác giám định BHYT; tăng cường việc thanh kiểm tra công tác KCB BHYT và giám định BHYT...
Bão Bình