Quảng Nam: Các trường THPT tư thục "kêu cứu"
(Cadn.com.vn) - Xã hội hóa công tác giáo dục là chủ trương được tỉnh Quảng Nam hưởng ứng tích cực với sự ra đời của nhiều trường tư thục, trong đó có 4 trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, những thay đổi về cơ chế tuyển sinh, sự thiếu quan tâm của ngành giáo dục đã đưa các trường THPT tư thục rơi vào cảnh sống dở, chết dở.
Giảm sút học sinh, lớp học
Trường THPT tư thục Hà Huy Tập (TP Tam Kỳ) vừa tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập trường (1998-2013) và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Thế nhưng, ngày 9-10 vừa qua, nhà trường đã có báo cáo "kêu cứu" các cấp quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ nhà trường tồn tại và tiếp tục phát triển. Nguyên nhân là quy mô lớp học và học sinh (HS) của trường ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
Cụ thể, từ năm học 2011-2012 trường có 25 lớp (8 lớp 12, 9 lớp 11 và 8 lớp 10) với 1.200 HS; năm học 2012-2013 còn 19 lớp (9 lớp 12, 8 lớp 11 và 2 lớp 10) với hơn 800 HS, năm học 2013-2014 giảm còn 10 lớp (6 lớp 12, 2 lớp 11 và 2 lớp 10) với hơn 400 HS; và dự kiến năm học 2014-2015 sẽ còn 2 lớp (1 lớp 12 và 1 lớp 11) với hơn 100 học sinh... Bà Hà Thị Thu Sương-Chủ tịch HĐQT Trường THPT tư thục Hà Huy Tập lo lắng: "Nếu tiếp tục thực trạng này nhà trường sẽ không còn đủ điều kiện tồn tại".
Để giải quyết tình trạng khó khăn về quy mô lớp học, HS và nguồn thu học phí ngày càng giảm sút, năm học 2013-2014, nhà trường đành phải cho 15 giáo viên hợp đồng nghỉ việc, chỉ giữ lại 27 giáo viên, cán bộ quản lý cơ hữu và 7 nhân viên tổ hành chính quản trị có tham gia đóng bảo hiểm xã hội lâu năm, đồng thời cắt giảm 25% lương tháng và trả lương tính đến hết tháng 6-2014 và vẫn còn âm hơn 100 triệu đồng. Nhà trường cũng chỉ sử dụng chưa hết 1/2 cơ sở vật chất, thiết bị nên cũng rất lãng phí.
Ông Võ Ngọc Hoàng-Chủ tịch HĐQT Trường THPT tư thục Phạm Văn Đồng (H. Quế Sơn) cho biết, liên tiếp 3 năm kể từ năm học 2011-2012 đến nay, mỗi năm trường chỉ tuyển sinh được 14-15 HS.
Hiện, toàn trường chỉ có 43 HS, phân bổ ở 3 khối lớp, trong đó khối 12 đông nhất cũng chỉ được 15 em. "Với nguồn thu học phí mỗi em 400 nghìn đồng/tháng, nhà trường xoay xở vén khéo đến mấy cũng không đủ trả lương đứng lớp cho giáo viên và đội ngũ nhân viên gián tiếp vỏn vẹn 19 người.
Để duy trì hoạt động, nhà trường vận động đội ngũ cán bộ gián tiếp chia sẻ khó khăn với nhà trường bằng cách nhận lương theo hướng hỗ trợ chi phí đi lại, số tiền học phí thu được dành cho việc trả lương đứng lớp cho giáo viên" - ông Hoàng cho biết.
Trường THPT tư thục Hà Huy Tập (TP Tam Kỳ-Quảng Nam) có 15 năm xây dựng và phát triển, nhưng nay có nguy cơ giải thể. |
Cần giải pháp kịp thời
Số lượng HS tại các trường THPT tư thục ở Quảng Nam giảm sút mạnh là do phương thức tuyển sinh (xét tuyển) và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập tỉnh nhà quá cao đến 92,9% cộng với hơn 5% học sinh tốt nghiệp THCS nghỉ học, nên các trường mất nguồn tuyển.
Tại Trường THPT tư thục Hà Huy Tập, năm học 2012-2013 chỉ có 75 HS đăng ký học lớp 10. Năm 2013-2014 nhà trường cũng chỉ tuyển được 72 em vào lớp 10 do tỷ lệ tuyển sinh vào các trường công lập cao hơn năm trước: 100% đối với miền núi và 95% đối với đồng bằng (Quyết định số 2353/QĐ-UBND ngày 31-7-2013 về việc phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014 của tỉnh).
3 năm lại đây, số lượng HS vào lớp 10 tại Trường THPT Phạm Văn Đồng liên tục giảm, cộng với những thay đổi liên tục về cơ chế tuyển sinh đã làm cho số lượng hồ sơ đăng ký vào trường sa sút hẳn.
Để duy trì hoạt động, nhà trường đã tận dụng số phòng học bỏ trống cho một đơn vị xây dựng thuê để bù bớt khoản chi phí, góp phần đảm bảo việc dạy và học. Nhiều lần kiến nghị không có phản hồi, nhà trường đành phải gắng gượng để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ và chờ đợi trong vô vọng, nhà trường gần như không có hướng tháo gỡ.
Trước thực trạng lớp học và HS "èo uột" như hiện nay, lãnh đạo các trường THPT tư thục ở Quảng Nam kiến nghị: 1 - Nếu thực hiện như tinh thần Nghị quyết 12/NQ/TU ngày 28-12-2012 của Tỉnh ủy ban hành tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 khóa XX về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 có ghi: "Có biện pháp chỉ đạo, khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho các loại hình giáo dục ngoài công lập hoạt động" và địa phương vẫn kiên trì thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục thì có những biện pháp, chỉ đạo cụ thể để cho trường THPT tư thục tồn tại và phát triển?
2 - Nếu có chủ trương xóa bỏ loại hình trường ngoài công lập, không thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục nữa và tiếp tục thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập như 2 năm qua thì cần có khẳng định, thông báo để các trường THPT tư thục làm đơn... xin giải thể.
Bài và ảnh: Thạch Hà