Quảng Nam cần 100 tỷ đồng xây đập ngăn mặn vĩnh cửu
(Cadn.com.vn) - Năm nào cũng vậy, khi mùa hạn bắt đầu cũng là lúc điệp khúc thiếu nước, nhiễm mặn lại dấy lên, khiến người nông dân lao đao. Mặc dù năm nào tình trạng trên cũng diễn ra tuy nhiên vẫn chưa có cách khắc phục triệt để. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt “Phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2015” với tổng kinh phí 37 tỷ đồng. Dự kiến sẽ triển khai nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp để khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh dẫn, sửa chữa xây dựng các đập dâng kiên cố, đóng giếng khoan lấy nước ngầm, xây dựng các đập tạm ngăn mặn.
H. Điện Bàn là một trong những nơi đất sản xuất thường xuyên bị nhiễm mặn ở Quảng Nam. Người nông dân nơi đây phải vật lộn từng giờ cứu cây lúa. Không có đủ vốn để xây dựng đập vĩnh cửu, mỗi năm tỉnh Quảng Nam chi ra hơn 1 tỷ đồng để làm đập ngăn mặn tạm thời cho H. Điện Bàn và chấp nhận con đập này bị nước lũ cuốn trôi khi mùa mưa đến. Không chỉ lãng phí mà còn khiến quá trình sản xuất bị ảnh hưởng tuy nhiên đã nhiều năm trôi qua nhưng ước mong về một con đập ngăn mặn vĩnh cửu vẫn chưa thực hiện được.
Mỗi năm, Quảng Nam chấp nhận bỏ ra hơn 1 tỷ đồng làm đập ngăn mặn tạm thời. |
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam cấp cho TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hơn 1 tỷ đồng để khắc phục sự cố lở đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (xã Điện Ngọc, TX Điện Bàn). Đây là con đập thứ 2 được làm trong năm nay. Trước đó, cuối tháng 2-2015, trong đợt mưa lũ bất thường tỉnh Quảng Nam từng cấp cho TX Điện Bàn 1,2 tỷ đồng để xây dựng tuyến đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện với tổng chiều dài xấp xỉ 96 m. Thế nhưng, sau khi công trình hoàn thành khoảng 15 ngày thì mưa lũ bất ngờ xuất hiện đã cuốn trôi con đập này.
Ông Nguyễn Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết 3 năm trở lại đây, nguồn nước bị nhiễm mặn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất lúa và hoa màu của người dân nên mỗi năm tỉnh Quảng Nam cấp cho Điện Bàn hơn 1 tỷ đồng làm đập ngăn mặn (riêng năm 2015 hơn 2 tỷ đồng).
Qua đó, đã tạo một lá chắn ngăn mặn giữ ngọt để các trạm bơm điện hoạt động ổn định, đảm bảo chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho ít nhất 2.000 ha đất sản xuất lúa của TX Điện Bàn và TP Đà Nẵng. So với số tiền hơn 1 tỷ đồng bỏ ra thì việc thu lợi của người dân và ngành nông nghiệp lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, con đập này chỉ làm tạm bợ nên cứ đến mùa lũ sẽ bị nước cuốn trôi và cứ thế hàng năm lại phải mất kinh phí để làm đập. Địa phương cũng rất muốn xây dựng đập vĩnh cửu nhưng không có đủ vốn vì theo tính toán, việc xây đập vĩnh cửu mất khoảng 100 tỷ đồng.
“Cái khó khăn hiện nay là kinh phí, đầu tư đập phải là nguồn vốn trung ương chứ tỉnh không có vốn. Tuy nhiên, trong tương lai cũng tính chuyện xây đập để cho bền vững chứ mỗi năm bỏ ra hơn 1 tỷ đồng thì rất lãng phí” – ông Điềm cho biết thêm, địa phương cũng đang tính toán xem việc xây đập trên sông sẽ tác động như thế nào đến môi trường, dòng chảy sông..., rồi mới có kiến nghị trung ương cấp kinh phí xây đập.
Đồng Dao