Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam chủ động chống dịch sởi

Thứ sáu, 02/05/2014 11:10

(Cadn.com.vn) - Hơn nửa tháng nay, mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi Quảng Nam tiếp nhận hàng trăm trẻ em đến khám chữa bệnh, trong đó có không ít bệnh nhi có dấu hiệu sốt phát ban nghi sởi/rubella.

Đã có 6 trẻ được phát hiện các triệu chứng bệnh sởi đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Bác sỹ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc BV Nhi Quảng Nam cho biết: Số bệnh nhi sốt phát ban nghi sởi/rubella đến khám và điều  trị tại BV vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trước tình hình dịch sởi diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, BV Nhi Quảng Nam đã xây dựng và triển khai kế hoạch chủ động phòng chống và dập dịch.

Trong đó, chú trọng việc tập huấn, xây dựng phác đồ điều trị sởi cho đội ngũ y bác sỹ; trang bị phương tiện y tế, thuốc thiết yếu và chuẩn bị phòng cách ly để kịp thời khám và điều trị hiệu quả các ca bệnh sởi, không để lây chéo trong BV.

"Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh lâu, khi đã phát bệnh mới có những triệu chứng như sốt cao, phát ban từ trên đầu rồi toàn thân, rồi khô vảy để lại vết thâm trên da thường gọi là mày. Nhiều trẻ kèm theo triệu chứng khò khè, nôn mửa. Các y, bác sỹ khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm vaccine để phòng chống sởi" - BS Thoại nói.

Nhiều trẻ em có dấu hiệu sốt phát ban nghi sởi/rubella đến khám tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 34 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/rubella được phát hiện điều tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm; trong đó có 16 trường hợp dương tính với sởi.

Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đề nghị lãnh đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bệnh sởi/ rubella trên; tăng cường các hoạt động giám sát: tất cả các trường hợp sốt phát ban được điều trị tại bệnh viện hoặc những trường hợp sốt phát ban tản phát trong cộng đồng; đảm bảo trên 95% đối tượng được tiêm vaccine sởi mũi 1 hoặc mũi 2 trong chiến dịch; đồng thời kiểm tra giám sát chiến dịch sởi an toàn theo quy định.

* Gần một tháng nay, người dân xã Sơn Xuân, H. Sơn Hòa, Phú Yên lo lắng vì dịch bệnh quai bị. Dịch lây lan trên diện rộng, có tốc độ nhanh ở hai thôn Lương Sơn và Liên Sơn. Nhiều hộ mắc bệnh cả nhà khiến người dân vô cùng hoang mang. Điều đáng lo ngại là chính quyền và trạm y tế địa phương chưa có hình thức phòng tránh, biện pháp khắc phục, ngăn ngừa ổ dịch.

Vì quá lo lắng, nhiều người dân đã chủ động đưa người thân bị mắc bệnh đi khám nhưng họ lại tìm đến các bệnh viện tư và không có giấy tờ khám chữa bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Hộ gia đình anh Đặng Văn Thủy (thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân) có 4 nhân khẩu  đều mắc bệnh.

Anh cho biết: "Người bệnh đầu tiên trong nhà anh là con gái út của anh, sau đó lây cho vợ anh, đến con trai anh và người bị bệnh nặng nhất là anh". Cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lây trên diện rộng nhưng người dân vẫn chưa biết cách phòng ngừa và xử lý bệnh. Được biết, bệnh quai bị lây lan qua đường hô hấp do một loại virus có tên khoa học là ARN thuộc bộ Rubulavirus gây nên, ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi và bệnh nặng hơn ở người lớn.

Bệnh thường xảy ra mùa đông xuân. Trẻ mắc bệnh thường có các triệu chứng như: sốt, sưng quai hàm, đau họng, đau hai bên tai... Bệnh có biến chứng nặng, gây viêm tinh hoàn ( ở bé trai), viêm buồng trứng ở bé gái và dẫn đến vô sinh về sau, ngoài ra còn gây viêm não và viêm tụy cấp. Biện pháp khắc phục ban đầu là cách ly người bệnh, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, không cho dùng nước lạnh, bệnh có thể tiêm vaccine phòng ngừa ...

Dich bệnh đang có nguy cơ lây lan ra các xã khác trên địa bàn H. Sơn Hòa. Tại thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, H. Sơn Hòa bé Nguyễn Tấn Đạt ( 6 tuổi) được xem là nhiễm dịch bệnh đầu tiên tại địa phương này.

Kim Cúc - Th. Hà