Quảng Nam: Còn nhiều bất cập trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường
Quảng Nam là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với gần 45 loại, trong đó nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao như: Vàng, titan, cát, đá xây dựng… Từ tháng 1-2016 đến nay tỉnh đã cấp mới 50 giấy phép, gia hạn 15 giấy phép, chuyển nhượng và điều chỉnh 4 giấy phép khai thác khoáng sản. Hiện toàn tỉnh có 73 giấy phép khai thác vàng, đá, đất san lấp đang có hiệu lực. Trong đó, 24 mỏ đá xây dựng, 40 mỏ đất san lấp và 9 mỏ vàng.
Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản góp phần đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng cũng bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập như thất thoát, lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách và tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến môi trường.
Mới đây, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đi giám sát chuyên đề chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác 3 loại khoáng sản vàng, đá, đất san lấp do tỉnh cấp phép từ năm 2016 đến nay cho thấy, công tác quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản chưa thật sự hợp lý. Có trường hợp cấp phép nhiều mỏ trên cùng một địa bàn làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và đời sống dân sinh, hoặc cấp phép khai thác giữa các mỏ quá gần làm ảnh hưởng đường giao thông. Có tình trạng bổ sung quy hoạch, cấp phép theo đề xuất của đơn vị khai thác chưa dự lường những vấn đề phát sinh. Việc cấp phép khai thác chưa đánh giá đầy đủ mối quan hệ về lợi ích kinh tế với tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội do khai thác khoáng sản gây ra. Một số mỏ đá, đất san lấp gần các di tích lịch sử, các công trình thủy lợi, khu dân cư, quá trình khai thác nổ mìn, rung chấn đã gây ảnh hưởng đến nhà của người dân và các công trình…
Bà Đặng Thị Minh Nguyệt, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường là do ý thức của doanh nghiệp. Cùng với đó, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường còn bất cập, số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường quá thấp, không đảm bảo để cải tạo phục hồi môi trường. Ở một số địa phương, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý hiện trạng, quản lý quy hoạch nên khi các doanh nghiệp khai thác vượt quá phạm vi, giới hạn được cấp phép hoặc khai thác quá độ sâu nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Theo Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa thực hiện thường xuyên; xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, chủ yếu xử phạt vi phạm hành chính, chưa có biện pháp đủ mạnh buộc các đơn vị gây ô nhiễm môi trường thực hiện phương án khắc phục hiện trạng, khôi phục môi trường. Có đơn vị khai thác khoáng sản vi phạm bảo vệ môi trường thường xuyên, nhiều lần nhưng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết… Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định thời hạn để tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai.
Bên cạnh là sửa đổi quy định số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường gồm tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và kinh phí lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm. Đối với những đơn vị khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm bảo vệ môi trường nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân, phải thu hồi giấy phép, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, đề xuất xử lý hình sự.
P.V