Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam: Đề xuất xây dựng 4 dự án thủy điện tại H. Nam Trà My

Thứ sáu, 14/07/2017 13:33

(Cadn.com.vn) - Tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình đề xuất xây dựng 4 dự án thủy điện có công suất 78,8 MW, tổng diện tích khoảng 144 ha tại H. Nam Trà My. Vốn đã  có 30 dự án thủy điện lớn nhỏ được quy hoạch "phủ sóng" khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất 1.580MW vì vậy việc xây thêm  4 thủy điện nữa trên cùng một địa phương khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nhất là khi thời gian vừa qua hệ quả từ thủy điện gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, rừng đã nhìn thấy rõ.

Quảng Nam đề xuất xây dựng 4 thủy điện công suất nhỏ tại Nam Trà My.      Ảnh: T.H.

Cần thiết phải xây thêm thủy điện?

Theo Tờ trình số 3363 gửi HĐND tỉnh của ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký, 4 dự án thủy điện tại H.  Nam Trà My gồm: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng, với tổng công suất 78,8 MW, tổng diện tích đất khoảng 144ha, trong đó đất lâm nghiệp 60,1ha không ảnh hưởng đến đất lúa, đất sản xuất của người dân. Cũng theo đề xuất của UBND tỉnh, tiếp tục loại 2 thủy điện Nước Xa (tại xã Trà Mai, H. Nam Trà My, công suất 1,2MW) và thủy điện Ag Rồng (xã A Tiêng, H. Tây Giang, với công suất là 1MW). Qua các đợt rà soát thủy điện vừa và nhỏ, một số địa phương như Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My... đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch 18 dự án thủy điện. Trong đó H. Nam Trà My đề nghị bổ sung 7 dự án. Tuy nhiên trước mắt do sự cần thiết phải đảm bảo điện ổn định cho nhu cầu phát triển KT-XH  nên việc bổ sung các dự án nhỏ ít ảnh hưởng đến môi trường đất rừng tại Nam Trà My cần được xem xét. Theo thông tin từ ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tổng vốn 4 thủy điện vừa và nhỏ Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng tại H. Nam Trà My do các doanh nghiệp đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, bình quân 1MW khoảng 30 tỷ đồng".

Nội dung tờ trình trình bày về việc cần thiết xây dựng 4 thủy điện nêu: "Việc cấp điện cho H. Nam Trà My hiện chỉ có một tuyến từ TP Tam Kỳ lên, đường điện đi dài, qua nhiều khu vực đồi núi nên tiêu tốn điện năng rất lớn qua từng năm. Đặc biệt nguồn điện không ổn định vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra sự cố về lưới điện khi có giông sét. Vì vậy việc xây dựng thủy điện là vô cùng cần thiết". Sáng 13-7, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My chia sẻ: "Nam Trà My là một trong những địa phương xa xôi nhất của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay chỉ có 30% người dân được tiếp cận với điện lưới quốc gia. Ở đây cứ chiều chiều là lại cúp điện, hầu như ngày nào cũng vậy và nếu trúng đợt mưa lũ thì sẽ cúp cả tuần. Thực tế như vậy thì làm sao địa phương có thể phát triển KT- XH? Chính vì vậy dù còn nhiều băn khoăn nhưng địa phương ủng hộ việc xây dựng thủy điện. Điều này sẽ giúp nâng con số được hưởng lợi ích từ điện lưới quốc gia lên 80%".

Cần tính toán kỹ

Là địa phương vùng núi lại thường xuyên xảy ra động đất, thiên tai nên việc có mặt thêm 4 thủy điện tại Nam Trà My dấy lên nhiều ý kiến quan ngại. Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tờ trình đề xuất như vậy, tuy nhiên việc đánh giá tác động môi trường phải do Bộ TNMT đánh giá, tỉnh và huyện có trách nhiệm tham gia rà soát, kiểm tra. Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, đất lâm nghiệp dùng để làm thủy điện ở đây là đất để trồng rừng chứ không phải rừng nguyên sinh. Ông Bửu cho biết thêm hiện nay tại Nam Trà My chỉ có 1 tuyến điện chính tải 35kV. Nếu xây dựng được 4 thủy điện này thì sẽ có thể cung cấp điện lên 110kV. Bên cạnh đó 4 thủy điện này theo thiết kế sẽ không xả nước trực tiếp về vùng hạ du mà sẽ đổ về hồ thủy điện Sông Tranh (Bắc Trà My). Đối với việc xây dựng 4 thủy điện này, địa phương đã khảo sát và thấy rằng khu vực làm thủy điện không ảnh hưởng đến hoa màu cũng như đời sống của người dân. Đặc biệt, để làm 4 thủy điện này sẽ không có bất kỳ hộ dân nào phải di dời là điều kiện vô cùng thuận lợi. "Ưu tiên đầu tiên của địa phương vẫn là phát triển KT-XH trên nguyên tắc giữ rừng, đảm bảo an sinh cho người dân. Tất nhiên việc nào cũng có hai mặt của nó và huyện cũng đóng góp với vai trò trách nhiệm của mình. Việc quyết định, khảo sát mức độ ảnh hưởng vẫn do Bộ TNMT quyết định. Địa phương vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên", ông Bửu cho biết.

Trước câu hỏi của P.V về việc Nam  Trà My thường xuyên xảy ra động đất liệu việc xây dựng thủy điện có làm người dân bất an, ông Bửu cho biết địa phương cũng đã lưu ý điều này: "Theo thông tin từ các kỹ sư mà tôi nắm được thì những thủy điện nhỏ này được làm theo công nghệ mới. Trước đây phải xẻ núi và làm cao kỳ rất phức tạp. Nhưng nay 4 thủy điện này sẽ làm ít hồ chứa hơn và cũng sẽ giảm tác động tới môi trường. Tuy nhiên đây chỉ mới là đề xuất, để thực sự bắt tay vào cần cả một quá trình tính toán kỹ lưỡng hơn nữa", ông Bửu chia sẻ.

HÀ DUNG