Quảng Nam: Định vị giá trị du lịch biển đảo lên tầm cao hơn
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho rằng, để du lịch phát triển bền vững, nhất là du lịch biển đảo, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, thuê đất, hỗ trợ người lao động... Bên cạnh đó, tỉnh cần cải thiện môi trường du lịch, thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch, nhất là du lịch biển đảo.
Theo ông Phan Xuân Thanh, du lịch biển đảo chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng số khách du lịch đến Quảng Nam mỗi năm. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch biển đảo chưa có sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong đào tạo và liên kết các điểm đến biển đảo. Trong khả năng của mình, Hội đã có định hướng và hỗ trợ để doanh nghiệp cùng đồng hành để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch xanh, du lịch biển đảo. Đây là hướng phát triển để tiếp cận với thị trường khách cao cấp, đồng thời phát triển điểm đến đa dạng hơn, lâu dài hơn.
Cùng với hai Di sản Văn hóa thế giới là Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam còn sở hữu hai trong ba điểm đến của tam giác biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An) - Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được đầu tư và khai thác đúng mức. Trong chuyến trải nghiệm Cù Lao Chàm - Mỹ Sơn, ông David Karl (du khách Australia) chia sẻ, ông đã trải nghiệm nhiều nơi ở Quảng Nam. Điều khiến ông thích thú và ấn tượng nhất là trải nghiệm ở làng quê, tham quan các di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, những nơi ông đến đều chưa có nhiều sản phẩm phụ trợ có chất lượng để thu hút khách du lịch.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ nhấn mạnh, Mỹ Sơn là điểm đến không thể thiếu với du khách, nhất là khách quốc tế. Mỹ Sơn ở vị trí không xa biển Hội An, không xa Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và biển đảo Đà Nẵng. Vì vậy, nếu những điểm đến này được đầu tư đúng mức, được kết nối với nhau sẽ tạo ra điểm đến giữa di sản với di sản, giữa di sản với không gian du lịch biển đảo hấp dẫn.
Về tiềm năng và lợi thế của du lịch biển đảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định tỉnh có tiềm năng lớn về biển đảo. Tỉnh đã có sự quan tâm đặc biệt về bảo vệ môi trường biển đảo, lấy đó làm động lực để phát triển du lịch, phát triển kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, mức độ đầu tư vào sản phẩm du lịch biển đảo của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch biển Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xác định, hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, du lịch thể thao và sinh thái biển là những sản phẩm chủ lực. Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, định vị giá trị du lịch biển đảo lên tầm cao hơn.
ĐOÀN HỮU TRUNG