Báo Công An Đà Nẵng

QUẢNG NAM: Khẩn trương dập dịch bạch hầu ở Nam Trà My

Thứ sáu, 13/10/2017 11:31

Sau khi Viện Pasteur Nha Trang có kết luận 7 học sinh Trường Tiểu học Trà Vân (H.Nam Trà My) dương tính với bệnh bạch hầu, Sở Y tế Quảng Nam triển khai nhiều biện pháp để dập tắt ổ dịch nguy hiểm này.

 

Chiều 11-10, ông Trần Văn Thu, Giám đốc TT Y tế H. Nam Trà My cho biết, sau khi được chăm sóc, 7 học sinh dương tính với bệnh bạch hầu đã xuất viện về nhà. Tuy nhiên, ngành y tế của H. Nam Trà My vẫn theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nhận thông tin về một số trường hợp mắc bệnh tại Trường tiểu học Trà Vân, Sở Y tế đã thành lập các đoàn công tác để điều tra, giám sát, phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang khẩn trương tiến hành các biện pháp chuyên môn, qua đó xác định có một ổ dịch xảy ra tại trường tiểu học xã Trà Vân với 8 lớp gồm 199 học sinh. Qua xét nghiệm, ngành y tế phát hiện có 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng, đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng. Qua giám sát, phát hiện 7 trường hợp mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó.  Riêng em Hồ Bảo Phúc (2009),  phát bệnh vào ngày 27-9, được chuyển vào TTYT H. Nam Trà My điều trị tích cực nhưng đến ngày 1-10 bệnh trở nặng phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, tuy nhiên đến ngày 3-10, em Phúc đã tử vong.

Đây là ổ dịch bạch hầu thứ 2 được phát hiện ở tỉnh Quảng Nam, trước đó dịch bệnh này đã xảy ra ở H. Tây Giang, khiến 3 học sinh tử vong. Điều này khiến không ít người lo lắng bùng phát dịch bạch hầu ở các địa phương miền núi Quảng Nam. Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu đối với các học sinh Trường Tiểu học Trà Vân, ông đã trực tiếp dẫn đoàn công tác đến hiện trường để kiểm tra, triển khai các biện pháp phòng và dập dịch.

“Tôi đã đến xã Trà Vinh, xã tiếp giáp với Trà Vân để kiểm tra, tại đây đã phát hiện thêm 1 trường hợp nghi ngờ bị bệnh bạch hầu”, ông Văn thông tin. Lý giải về việc vì sao dù được tiêm phòng, nhưng dịch bạch hầu vẫn xảy ra, đặc biệt là ở vùng núi, ông Văn nói, vi khuẩn bạch hầu luôn luôn tồn tại trong môi trường sống, sở dĩ chúng ta, những người không mắc bệnh là nhờ được tiêm chủng đầy đủ. Tại đồng bằng, việc tiêm chủng bạch hầu rất tốt, trong khi đó tại miền núi, môi trường ẩm, lạnh khiến vi khuẩn tồn tại, cộng với tiêm chủng không đầy đủ nên vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Trong những năm trước đây, việc tiêm chủng bạch hầu cho trẻ tại các huyện miền núi Quảng Nam gặp khó.

Tuy nhiên ngay cả những trẻ ở đây được tiêm chủng đầy đủ nhưng khả năng nhiễm bệnh vẫn cao do chất lượng các mũi tiêm không được đảm bảo. Bệnh bạch hầu xảy ra tại Nam Trà My ở lứa tuổi từ 8 đến 12, trong khi ở H. Tây Giang hôm tháng 5-2017 ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi. Theo y văn thế giới ghi nhận, miễn dịch bạch hầu sau khi tiêm vaccine là miễn dịch không bền vững mà giảm theo thời gian. Cứ khoảng 10 năm sau khi tiêm vaccine, hiệu quả kháng thể sẽ giảm đi 40%. Ở các nước tiên tiến, cứ sau 10 năm người ta tiêm nhắc lại vaccine.

 

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam có chỉ định, trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi phải tiêm nhắc lại mũi thứ 4 vaccine bạch hầu mới đảm bảo phòng bệnh. “Không chỉ riêng Nam Trà My mà địa phương lân cận là H. Bắc Trà My việc tiêm phòng vaccine bạch hầu còn thấp. Vì vậy, thời gian đến, ngành y tế tỉnh sẽ triển khai tiêm chủng và kiểm tra chặt chẽ đối với y tế cơ sở để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với các nơi tập trung đông người như trường học thì phải khoanh vùng giám sát để sớm phát hiện.

Hiện vaccine phòng ngừa bệnh bạch hầu tại Quảng Nam chỉ dự trữ đủ để tiêm cho các cháu trong diện tiêm chủng mở rộng thôi. Còn khi xảy ra ổ dịch như thế này thì ngành y tế tỉnh liên hệ với Viện Pasteur Nha Trang điều tiết vắc xin từ các tỉnh thành khác. Rút kinh nghiệm xử lý các ổ dịch ở Tây Giang và Phước Sơn trước đây, ngay khi xảy ra ổ dịch, ngành y tế tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và dập dịch. Dự kiến từ nay đến giữa tháng 11 sẽ hoàn thành chủng ngừa bệnh bạch hầu tại hai địa phương Nam Trà My và Bắc Trà My”, ông Văn khẳng định.

HOÀNG ANH

Là vùng miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Nam nên tỷ lệ người dân được tiêm vắcxin bạch hầu ở huyện Nam Trà My chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Văn, trả lời báo chí về những biện pháp ngăn chặn dịch bạch hầu ở H. Nam Trà My.