Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam là tỉnh loại I

Thứ sáu, 25/08/2017 09:36

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1234/QĐ-TTg điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam. Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam từ loại II lên loại I.

Đây là dấu mốc đánh dấu chặng đường phát triển của Quảng Nam. Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh đó là Quảng Nam đã tạo được tiền đề vững chắc, sắp tới sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc.

Một góc TP Tam Kỳ.

Bước phát triển

Như vậy, sau 20 năm nỗ lực và trưởng thành Quảng Nam đã có những bước tiến thần kỳ là tiền đề cho sự phát triển trong tương lai. Sau 20 năm tái lập tỉnh diện mạo của tỉnh đã thay đổi căn bản, dựa trên nền tảng lựa chọn đúng định hướng phát triển, tập trung vào 2 trụ cột là công nghiệp chế tạo và du lịch - dịch vụ.  Khởi đầu là một tỉnh thuần nông, đầy khó khăn, đến nay, Quảng Nam đã có thể tự cân đối, điều tiết ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương, đứng thứ hai về mức thu ngân sách và đứng đầu về thu hút vốn đầu tư của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời luôn đứng top đầu các địa phương có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất. Không khó để nhận ra những tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam. Đây là một trong số ít địa phương có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển và giao thông thủy nội địa... Hệ thống kết cấu hạ tầng nội tỉnh cũng đang được hoàn thiện. Khu kinh tế mở Chu Lai và mạng lưới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang mang lại cơ hội lớn để Quảng Nam mở rộng không gian phát triển công nghiệp. Với bờ biển dài, đặc biệt là có tới 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, Quảng Nam cũng có cơ hội rất lớn để phát triển du lịch.

Sau 20 năm nhìn lại, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu phát triển khá toàn diện, bền vững. Năm 2016, tỉnh Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 14,73%, vượt kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Điều này cho thấy kinh tế Quảng Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định. Mục tiêu Quảng Nam đề ra là trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020.

Công nghiệp chế tạo ô-tô là một trong những định hướng phát triển của Quảng Nam.

Xây dựng Tam Kỳ thành TP sinh thái

Là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, cùng với nhịp phát triển chung của tỉnh nhà TP Tam Kỳ cũng đang trong giai đoạn chuyển mình. Trong quy hoạch tổng thể phát triển Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tam Kỳ sẽ trở thành đô thị gắn với các giá trị sinh thái và nhân văn. Thành phố sinh thái phát triển bền vững trong tương lai là một thành phố đảm bảo được sự công bằng nhiều nhất trong xã hội cũng như sự cân bằng giữa con người và tự nhiên. Tam Kỳ có nhiều lợi thế về địa hình, với hệ thống sông, hồ, núi, biển tạo ra cảnh quan, môi trường thuận lợi để trở thành một đô thị sinh thái bền vững. Theo Quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Tam Kỳ định hướng phát triển thành “đô thị xanh”, với vai trò là thủ phủ của tỉnh và là một đầu mối phát triển trong tuyến kinh tế ven biển Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thành phố Tam Kỳ sẽ mở rộng về phía Đông với tỷ lệ không gian xanh là 53% và đô thị 47%, trong đó khu vực sông Bàn Thạch sẽ là vùng lõi xanh của thành phố với những công viên cây xanh rộng lớn, phía bờ Tây của sông là khu vực đô thị cũ hiện hữu, bờ Đông sẽ phát triển dải sinh thái thiên nhiên rồi mới đến khu vực đô thị mới. Cũng theo quy hoạch, Tam Kỳ sẽ phát triển 12 khu chức năng theo hướng thân thiện với môi trường, trên cơ sở bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị thiên nhiên. Thành phố cũng đặt ra 14 mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đó là: Tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh từ 10% trở lên, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng là 30%, diện tích cây xanh trên đầu người 40m2/người, đất nông nghiệp và cây xanh bảo tồn 2.00ha trên tổng diện tích tự nhiên 9.200ha của thành phố, tỷ lệ đạt chuẩn về các tiêu chí về môi trường từ 80% trở lên...

Theo ông Nguyễn Văn Lúa – Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, TP Tam Kỳ ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp ít nhả khói, không gây hại môi trường. Trong những năm qua TP Tam Kỳ đã nhận được nhiều giải thưởng như được vinh danh “Phong cảnh thành phố Châu Á” hoặc  mới đây nhất làng cộng đồng Tam Thanh đạt giải “Cảnh quan Châu Á 2017”. Việc Tam Kỳ đặt mục tiêu hướng tới “đô thị thủ phủ - xanh” vừa phù hợp với xu thế, vừa tận dụng, phát huy được tiềm năng của mình. Phát triển “đô thị xanh” sẽ mang đến môi trường sống tốt cho người dân, và tăng lợi thế cạnh tranh phát triển cho thành phố. Đây cũng là yếu tố cơ bản để Tam Kỳ phát triển bền vững, không chỉ là thủ phủ của Quảng Nam, mà còn trở thành đầu tàu, có sức lôi kéo sự phát triển của các đô thị khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

ĐỒNG DAO