Quảng Nam liên tiếp giải cứu nhiều động vật hoang dã quý hiếm
Ngày 16-4, trong lúc cùng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện chuyến tuần tra lâm phận quản lý (BQL khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam), nhóm cộng đồng thôn Areh - Đhrồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang, Quảng Nam) phát hiện một cá thể sơn dương bị mắc bẫy thợ săn. Nhóm cộng đồng ngay lập tức tiếp cận, tìm cách gỡ bẫy thú giải cứu sơn dương. Thời điểm phát hiện dính bẫy, chân trái phía sau của sơn dương bị siết chặt bởi sợi dây cáp bằng thép, đầu dây còn lại được buộc chặt vào thân cây nên sơn dương không thể di chuyển được. Phát hiện thấy người tiến lại, cá thể sơn dương này giãy giụa hòng thoát ra nhưng bất thành. Ngay sau đó, nhóm bảo vệ rừng đã khống chế cá thể sơn dương, tiến hành tháo dây thép ra khỏi chân, thả cá thể sơn dương về với môi trường tự nhiên.
Được biết sơn dương có tên khoa học Naemorhedus milneedwardsii hay còn gọi đơn giản là dê rừng. Sơn dương là loài động vật thuộc họ trâu bò, thuộc bộ ngón chẵn, phân bố đặc hữu ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là bán đảo Đông Dương, ở các quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Miến Điện. Sơn dương thuộc nhóm IB theo Nghị định 06 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Trước đó một ngày, cũng tại khu vực thuộc BQL khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam, trong lúc cùng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện chuyến tuần tra, nhóm cộng đồng thôn Aréc (xã A Vương, huyện Tây Giang) phát hiện một cá thể rùa núi viền quý hiếm, tên khoa học là Manouria impressa. Nhận biết rùa núi viền được đưa vào danh sách những loài động vật bị đe dọa của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) năm 2000 và nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tiến hành kiểm tra sức khỏe cá thể trước khi trả về tự nhiên.
Trước những hành động trên, ngày 17-4, ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc BQL khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam đã đến thăm, gặp mặt động viên và khen thưởng đột xuất nhóm cộng đồng tại Đông Giang và Tây Giang đã kịp thời giải cứu thú rừng. Biểu dương nhóm cộng đồng thôn Aréc (xã A Vương, Tây Giang) và Aréh (xã Tà Lu, Đông Giang) không ngại hiểm nguy, tham gia các chuyến tuần tra, kiểm soát rừng, qua đó, kịp thời phát hiện và giải cứu cá thể sơn dương, rùa núi viền quý hiếm thả về môi trường tự nhiên, ông Lê Hoàng Sơn bày tỏ: “Đây là hành động đáng biểu dương và nhân rộng. Hy vọng thời gian tới, các nhóm cộng đồng miền núi tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, góp sức bảo tồn đa dạng sinh học trên lâm phận quản lý”.
Mới đây ngày 10-4, các thành viên của Chốt Bảo vệ rừng Giang – Sơn (thuộc BQL rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) trong lúc tuần tra rừng tại địa bàn xã Trà Giang đã phát hiện có một cá thể rùa bị mắc dây rừng. Ngay sau khi phát hiện, các nhân viên bảo vệ rừng đã giải thoát cho cá thể rùa, kiểm tra tình trạng sức khỏe và thả lại môi trường sinh trưởng tự nhiên.
Theo quan sát, cá thể rùa này có trọng lượng gần 1 kg và dài khoảng 20cm. Có đuôi dài gần bằng với thân, đầu được phủ bởi các mảnh sừng rất cứng không thụt vào mai được, hàm trên tạo thành móc giống mỏ vẹt. Đây chính là đặc điểm nhận dạng của rùa đầu to. Loài này sống ở các khe suối trong rừng, nơi nước trong và chảy chậm trên độ cao trên 600m so với mặt nước biển ở các khu rừng tự nhiên. Ban ngày chúng ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, ban đêm mới đi tìm thức ăn. Khi trưởng thành, rùa đầu to có thể đạt kích thước mai khoảng hơn 20 cm.
Loài rùa đầu to được liệt kê vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ thế giới do bị khai thác, buôn bán quá mức, nếu không ngăn chặn, loài này sẽ biến mất trong tương lai gần. Ở Việt Nam, rùa đầu to thuộc nhóm IB trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP và được liệt kê vào danh sách những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ…
Có thể thấy, thông qua công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua nhận thức của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Lê Hải