Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam nêu nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

Thứ sáu, 07/10/2022 15:32
Từ đầu năm, Quảng Nam đã quyết liệt đưa ra nhiều biện pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công nhưng hiệu quả đem lại chưa như kế hoạch.

Thông tin về quá trình giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cho hay, tổng vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Nam là 7.275,1 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn (KHV) năm 2022 là 6.861,8 tỷ đồng, KHV năm 2021 kéo dài chuyển sang là 413,3 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30-9, tổng vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân được 2.939,7 tỷ đồng, so với KHV giao đầu năm đạt 46,9% và so với KHV sau bổ sung đạt 40,4%. Trong khi đó, theo Kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 2022 tại Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 10-2-2022 của UBND tỉnh, tốc độ giải ngân trong 9 tháng đầu năm phải đạt trên 60%, nhưng đến nay chỉ đạt chưa đến 50%... “Nhằm giải quyết thực trạng trên, các chủ đầu tư, địa phương cần phối hợp, chủ động đề xuất điều chuyển vốn nội bộ địa phương hoặc hoàn trả cho ngân sách tỉnh điều chuyển cho các địa phương khác. Tuy nhiên, kế hoạch lâu dài là chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, còn cắt, điều chuyển vốn là giải pháp tức thời”- ông Hưng nói.

Nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các công trình ở Quảng Nam đang rất thiếu, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19; giá vật liệu xây dựng tăng; việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, huy động nhân lực khó khăn; ảnh hưởng bất lợi của thời tiết; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; trung ương phân bổ kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu chậm... “Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể: công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương, chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát; công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng hồ sơ tư vấn chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư; công tác thẩm định, tư vấn chưa đạt yêu cầu; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực..." - ông Quang đánh giá.

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đại diện cho lãnh đạo một số huyện vùng cao của Quảng Nam cũng trăn trở khi việc giải ngân vốn ở địa phương còn chậm, nguyên nhân chính là do thời tiết. Theo ông Sơn, miền núi Quảng Nam từ đầu năm đến giờ mưa liên tục, 12 giờ trưa đã bắt đầu mưa. “Sáng đợi đến 8-9 giờ đất ráo mới thi công được, nhưng làm được 2-3 tiếng thì trời đổ mưa phải mang đồ về. Thi công chỉ vài ba tiếng đồng hồ mỗi ngày thì làm sao đẩy tiến độ giải ngân vốn được. Chưa kể thi công xong, nước mưa, lũ làm trôi khối lượng xuống sông, xuống suối. Nên chăng tỉnh có cơ chế cho các huyện miền núi giãn tiến độ giải ngân vốn so với các địa phương đồng bằng”- ông Sơn phân tích.

Thời tiết mưa nhiều ở miền núi Quảng Nam cũng khiến việc đẩy tiến độ, giải ngân vốn bị ảnh hưởng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang, để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2022, UBND tỉnh đề nghị Bí thư Thành, Thị, Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo UBND cấp huyện tập trung thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn; yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung chỉ đạo, kịp thời xử lý các tồn tại, vướng mắc; triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, xử lý thu hồi nợ tạm ứng quá hạn, hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2023 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh.

“Đối với các dự án không thể triển khai thi công, vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2022 theo tiến độ quy định... thì chủ động làm việc với Sở KH-ĐT rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn và đảm bảo khả năng giải ngân trong năm 2022”- ông Quang nói.

LÊ HẢI