Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Thứ bảy, 23/11/2019 13:33

Ngày 22-11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo "Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam". Hội thảo với sự tham dự của 300 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành T.Ư các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo.

Những bước đi ban đầu

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: Đây là hội thảo rất quan trọng, giúp quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quyết tâm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp để có định hướng, hành động cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ này.

"Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Đến nay, công tác ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cấp, các ngành quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng CNTT, nhiều hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung được đầu tư, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Cụ thể như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, kết hợp chức năng ký số trên văn bản điện tử; hệ thống một cửa một cửa liên thông theo mô hình Trung tâm Hành chính công; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thư điện tử công vụ và nhiều ứng dụng chuyên ngành... góp phần phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của cơ quan nhà nước và nhu cầu nắm bắt thông tin, thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân. Tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ các hệ thống ứng dụng CNTT của tỉnh với Bộ ngành Trung ương, bước đầu đạt được một số kết quả.

Đối với nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, hiện UBND tỉnh cũng đã có chủ trương đề nghị tổ chức KOICA Hàn Quốc hỗ trợ, chọn TP Tam Kỳ triển khai thí điểm theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2020 - 2025, để từ đó làm cơ sở cho Quảng Nam trong tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới", ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Phối cảnh một khu đô thị thông minh kiểu mới ở Quảng Nam.

Cần sự vào cuộc của tất cả các bên

Tại phiên thảo luận, Hội thảo tập trung giới thiệu về tinh thần Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị và giải pháp định hướng triển khai Nghị quyết, khuyến nghị với chính quyền địa phương; thảo luận dự thảo Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020- 2025; Lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh- mối liên hệ phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan T.Ư và chính quyền địa phương; Kinh nghiệm của Ngân hàng Thế giới trong hỗ trợ các nước xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; An toàn- an ninh thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trong thời kỳ 4.0... thông qua các phát biểu của lãnh đạo đến từ các bộ, ban ngành T.Ư.

TS Nguyễn Đức Hiển- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế T.Ư  khuyến nghị một số nội dung: cần đơn giản hóa dịch vụ công trực tuyến, tích cực tuyên truyền phổ biến, lấy đội ngũ cán bộ cấp cơ sở làm tiên phong; cần thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử; đơn giản hóa tối đa dịch vụ công trực tuyến, các tài liệu hướng dẫn dễ hiểu, phù hợp với đối tượng người dùng còn hạn chế về kỹ năng về CNTT; đổi mới phương thức đầu tư và mở rộng cơ chế tài chính thúc đẩy ứng dụng CNTT; cần tiếp tục chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đầu tư ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia ứng dụng CNTT đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật theo Luật Đầu tư công mới; hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu tại các sở, ban, ngành của tỉnh, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia...

PGS.TS Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư khẳng định: Quảng Nam, một trong những tỉnh có nhiều cơ hội tiềm tàng, điều kiện phát triển 4.0 rất lớn. Đặc biệt, để khơi dậy nguồn lực từ kinh tế số, kinh tế chia sẻ của tỉnh Quảng Nam, có nhiều việc phải làm, cần nhiều quyết tâm nỗ lực cũng như sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Khả năng thành công sẽ đến và chỉ đến nếu có sự đồng thuận và vào cuộc của tất cả các bên hữu quan...

Phát biểu tiếp thu tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh khẳng định, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết này, trọng tâm là đầu tư tương xứng điều kiện hạ tầng CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh; thực hiện hoàn thành việc xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và kết nối các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở và kết nối với các hệ thống của bộ ngành; nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng CNTT, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu đã triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ hiện thực hóa Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam.

Cũng trên tinh thần đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh, nhất là ở vai trò người đứng đầu, sau hội nghị này tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn, thực hiện quyết tâm hơn trong chỉ đạo tăng cường hơn nữa ứng dụng và phát triển CNTT trên tất cả các lĩnh vực, quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư kết hợp với thuê hạ tầng CNTT từ các doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số; các ngành, các cấp quan tâm phối hợp chặt chẽ trong ứng dụng CNTT, chia sẻ, kết nối các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh, từng bước phát triển đô thị thông minh, hòa nhập vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số trong cả nước.

TRẦN TÂN