Báo Công An Đà Nẵng

Quảng nam: Rà soát, chấn chỉnh các dự án BT trên đỊa bàn

Thứ bảy, 06/04/2019 13:12

Thực tế cho thấy, các dự án BT (xây dựng - chuyển giao hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng) đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam. Hàng loạt vụ việc “lùm xùm” liên quan đến các dự án BT cho thấy, việc lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy trình, nhà đầu tư được chọn thực hiện dự án không đủ năng lực tài chính, công tác kiểm tra và giám sát trong khi triển khai các hợp đồng BT không được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc… dẫn đến hàng loạt sai phạm. Hệ lụy kéo theo là Nhà nước thất thu nhiều tỷ đồng tiền thuế, nhà đầu tư (khách hàng) chịu rủi ro, còn doanh nghiệp thì được hưởng lợi...

Việc triển khai một số dự án BT tại Quảng Nam vẫn còn bất cập, phát sinh nhiều hệ lụy (Trong ảnh: khách hàng kéo đến trụ sở Cty Bách Đạt An đòi sổ đỏ trước thông tin các dự án BT của doanh nghiệp này vướng nhiều sai phạm).

Hiện tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 4 dự án BT. Trong đó, tại khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) có 2 dự án và khu kinh tế mở Chu Lai có 2 dự án. Trong quá trình triển khai các dự án BT này đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập khi dư luận cho rằng, chính quyền có phần “ưu ái” các doanh nghiệp này khi giao đất làm đối ứng quá lớn, chưa tương xứng với hạ tầng thu về.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I-2019 vừa được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 1-4, ông Huỳnh Khánh Toàn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã thông tin về thực trạng các dự án BT trên địa bàn. Theo ông Toàn, qua rà soát 4 dự án BT thì có 3 dự án phải cắt giảm diện tích đất đối ứng giao cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư tuyến đường dài 1,9km của Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt (nay chuyển qua Cty Cổ phần Bách Đạt An) trước đây tỉnh giao 105ha đất, giờ điều chỉnh lại còn 24,18ha. “Hiện tỉnh mới giao cho Cty Bách Đạt An 24,18ha đất quy hoạch phân lô bán nền trong tổng cộng 105ha. Dự án BT này có tổng mức đầu tư hơn 69,3 tỷ đồng, Cty đã nộp cho ngân sách tỉnh hơn 50 tỷ đồng. Hợp đồng BT này trên cơ sở ngang giá có bù trừ”, ông Toàn cho hay.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng điều chỉnh nhiều dự án BT khác. Điển hình như dự án của Cty Đạt Phương cũng cắt giảm từ 105ha xuống còn 60ha (tương đương 343 tỷ đồng) cho việc xây dựng cầu Đế Võng (Hội An, dự án BT); Dự án BT của Tập đoàn Đất Quảng cũng bị cắt giảm... “Quảng Nam đã kiểm tra, rà soát rất chặt chẽ các dự án BT để đảm bảo đúng quy định pháp luật. Việc rà soát này là kịp thời và tỉnh sẽ không tiến hành triển khai dự án mới theo quy định của Bộ Tài chính”, ông Toàn thông tin.

Bên cạnh những dự án BT “có vấn đề”, thì những dự án nhà ở, thương mại ở Quảng Nam cũng phát sinh nhiều hệ lụy, bất cập khi giá cả liên tục tăng cao. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có tổng cộng 144 dự án. Trong đó, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 79 dự án (8 dự án đã hoàn thành, 71 dự án dở dang)...

Theo tìm hiểu thì hiện tại nhiều dự án ở khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng đều xảy ra tình trạng sau khi có phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, các chủ đầu tư đã nhận tiền đặt chỗ, giao dịch, ký kết các hợp đồng mua bán... Điều này đã gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó không thể không kể đến việc chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô-tô”, tổ chức ký kết với các sàn giao dịch mở bán các sản phẩm trước khi UBND tỉnh công bố phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất tại các dự án này.          

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng với lỗ hổng pháp lý và cách làm hiện nay, doanh nghiệp triển khai dự án BT có thể đẩy tổng mức đầu tư dự án lên cao để nâng chi phí đầu tư; đẩy chi phí đầu tư hạ tầng khu đất dự kiến đổi lấy hạ tầng để được giảm trừ vào tiền sử dụng đất; giá đất được tính khi chưa có hạ tầng, nên giá đất thường được tính ở mức rất thấp. Việc để doanh nghiệp “tự tung, tự tác” lập dự án, thuê đơn vị thi công, thiết kế, trong khi vai trò giám sát của chính quyền địa phương và các sở, ngành mờ nhạt là nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư đội lên nhiều lần, việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm được nhiều héc-ta đất đối ứng ở vị trí đắc địa.

Theo quy định, dự án BT được triển khai phải đảm bảo hạ tầng tối thiểu và phải được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, lúc đó doanh nghiệp mới được phân lô, bán nền, được cấp sổ đỏ. Thực tế cho thấy điều ngược lại, ấy là khi một số dự án BT triển khai ở tỉnh Quảng Nam, trong lúc doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng dang dở đã được tỉnh bàn giao đất, doanh nghiệp lập tức phân lô bán nền khi chưa có đầy đủ thủ tục cần thiết. Thiết nghĩ, động thái mới đây của UBND tỉnh Quảng Nam khi giao cho Thanh tra, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại tất cả các dự án BT trên địa bàn để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời là giải pháp cấp thiết hiện nay.

D.H