Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam siết chặt quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ sáu, 21/04/2023 08:21
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Mới đây, tối 6-4, người dân phường Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) phát hiện đội thuyền gồm 8 chiếc vào sát bờ kè Cửa Đại đánh bắt cá, trên thuyền có trang bị nhiều đèn pha công suất lớn. Tiếp nhận thông tin, lực lượng Biên phòng Cửa Đại triển khai lực lượng cùng phương tiện truy bắt. Khi thấy lực lượng biên phòng xuất hiện, các thuyền tắt điện bỏ chạy nên chỉ bắt được 3 thuyền mang số hiệu ĐNa-47066TS, ĐN-6803 và một thuyền không có số hiệu. Qua làm việc, các chủ phương tiện khai nhận đều thường trú tại phường Thọ Quang (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Việc dùng đèn pha công suất lớn áp sáp gần bờ để đánh bắt là hành vi tận diệt nguồn lợi thủy sản. Hiện vụ việc đang được Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh và Biên phòng TP Đà Nẵng điều tra, làm rõ các phương tiện dùng đèn pha công suất cực mạnh đánh cá ở biển Cửa Đại; hoàn tất hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định.

Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến ngày 10-4, Thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt truy quét, phát hiện 12 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng. Trong năm 2022, Thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh và các lực lượng phát hiện 73 trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, xử phạt hơn 700 triệu đồng. Năm 2022, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với các lực lượng tiến hành 136 lượt tuần tra biển phát hiện 83 trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản.

Lý giải về tình trạng ngư dân đánh bắt kiểu tận diệt đang diễn ra mạnh, ông Võ Văn Long - Chi cụ trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo quy định của Luật Thủy sản 2017, tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng không đủ chiều dài từ 15m trở lên thì không được cấp phép hạn ngạch khai thác vùng khơi. Do đó, nhiều tàu buộc phải khai thác vùng lộng thậm chí lấn cả vào vùng bờ dẫn đến ngư trường tại đây chịu áp lực lớn, nguồn lợi thủy sản dần khan hiếm. Bên cạnh đó, ngư dân vẫn còn giữ các nghề truyền thống như giã cào, kích điện… để khai thác thủy sản, hình thức khai thác này khiến nguồn lợi bị tận diệt.

"Nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đã thả 1,2 triệu con tôm sú và 5 ngàn cá thể cá giống và cua các loại vào khu vực cửa biển trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế tàu khai thác tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ, ngành Thủy sản tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp sai phạm. Về giải pháp lâu dài, đơn vị sẽ thăm mưu tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế, phát triển kinh tế biển bền vững", ông Long nói.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ, từ năm 2018, tại khu vực biển Cù Lao Chàm triển khai dự án "Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam" xây dựng 600 cấu trúc rạn nhân tạo do Hàn Quốc hỗ trợ. Qua đó, tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ươm giống các loài sinh vật biển cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi, tái tạo nguồn lợi ở biển Cù Lao Chàm và hạn chế tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt.

LÊ VƯƠNG