Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam siết quản lý bến bãi cát

Thứ tư, 09/08/2017 11:22

Trước thực trạng khai thác cát nóng bỏng thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Nam đang tiến hành quy hoạch lại bến bãi tập kết cát. Theo khảo sát của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, tổng trữ lượng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh khoảng 60 triệu m3 và hiện tại có 35 mỏ cát, sỏi được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Việc cấp giấy phép khai thác cát cho doanh nghiệp dựa trên quy trình rất nghiêm ngặt, đảm bảo việc khai thác không tác động đến môi trường cơ sở lựa chọn. Tuy nhiên, không ít hoạt động khai thác cát và cả tình trạng khai thác trái phép diễn ra thời gian qua trên các dòng sông khiến người dân bức xúc, khiến đất nông nghiệp bị sạt lở. Trong 6 tháng qua, lực lượng CA tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và xử lý 56 vụ khai thác cát trái phép, lập biên bản xử phạt 60 đối tượng với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, truy thu 8 phương tiện vận chuyển cát lậu.

Tỉnh Quảng Nam đang siết chặt quản lý khai thác cát và cả bến bãi tập kết cát.

Ông Bùi Văn Ba- Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Quảng Nam) cho biết, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông như thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ảnh, các vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản; thành lập các điểm chốt chặn, kiểm soát trên các tuyến sông thường xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường quản lý phương tiện vận tải đường thủy nội địa; chỉ cho phép các phương tiện vận tải đường thủy nội địa lưu hành khi đã có đăng ký, đăng kiểm, tạm dừng cấp giấy phép mới bến thủy nội địa có kết hợp tập kết cát. Không giải ngân, quyết toán đối với các công trình sử dụng vốn Nhà nước mà sử dụng cát không có nguồn gốc hợp pháp, không có đầy đủ chứng từ.

"Để nhanh có sản phẩm và nhiều lợi nhuận, các đối tượng khai thác cát trái phép thường chọn những vị trí thuận lợi, có khi họ tiến hành khai thác ở cả những vị trí sát bờ sông, đất sản xuất của người dân. Do đó việc sạt lở bờ sông, đất sản xuất do hoạt động khai thác cát gây ra chủ yếu do hoạt động khai thác cát trái phép", ông Ba nói.

 Ở TX Điện Bàn (Quảng Nam) hiện có 21 bến bãi tập kết cát, là địa phương có bến bãi tập kết cát và số phương tiện tàu thuyền vận chuyển cát nhiều nhất ở Quảng Nam. Ông Phan Minh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho biết, hiện có 7 bến bãi tập kết cát đang tạm dừng hoạt động, 14 bến bãi bị đình chỉ để tiến tới chấm dứt hoạt động bến bãi tập kết vào cuối tháng 9-2017. Đối với 7 mỏ cát đang hoạt động dọc 2 bên bờ sông Thu Bồn phải tuyệt đối không được cung cấp cát cho các ghe thuyền có thiết bị hút; nếu phát hiện mỏ nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.

"Ngoài một mỏ đã hết hạn khai thác, chúng tôi đã cương quyết đóng cửa mỏ của 2 doanh nghiệp do ảnh hưởng đến trụ điện và do dân không đồng thuận. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có quy hoạch bến bãi tập kết cát phù hợp để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển. Điện Bàn đề nghị quy hoạch thành 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất đến năm 2020 là chỉ còn  7 bến bãi, sau năm 2020 thì chỉ còn 2 điểm tập kết cát", ông Dũng nói.

Một bến tập kết cát dưới chân cầu Giao Thủy (thuộc H. Đại Lộc).

Theo Trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (CA tỉnh Quảng Nam), do thiếu sự quản lý, giám sát đầu ra tại các bến bãi tập kết cát, sạn nên lượng cát bán ra quá lớn trong khi nguồn thu thuế tài nguyên chẳng thu được bao nhiêu. "Ví dụ như tình trạng tư nhân người ta vào mua 3 đến 5 khối thì những điểm tập kết nguyên liệu bán và ghi vào 1 cuốn sổ riêng. Còn sổ mà báo cáo thuế, hợp thức hóa hợp đồng mua từ mỏ về bán ra là sổ khác. Khi tiến hành kiểm tra bất ngờ, chúng tôi thu ngay cuốn sổ đó", Trung tá Hồ Song An cho biết.

Trước thực trạng trên, mới đây trong buổi làm việc với các ngành và chính quyền địa phương về quy hoạch bến bãi tập kết cát, sạn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu thống nhất phương án đến năm 2020 sẽ loại bỏ 10 bến bãi tập kết cát, sạn ra khỏi quy hoạch. Tức là từ 48 bến bãi xuống còn 38 bến bãi, đồng thời cho phép chủ mỏ được đầu tư bến bãi tập kết hoặc ký hợp đồng với chủ bến bãi. "Mỏ cát thì ở sông vì vậy chúng ta tận dụng vận tải đường thủy để đến điểm tập kết một số bãi, vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo giao thông. Sau năm 2020 mỗi địa phương chỉ có vài ba điểm để tập trung quản lý. Không phải như hiện nay 35 giấy phép cấp cho 29 doanh nghiệp, mà sau này cũng 35 giấy phép nhưng cấp cho khoảng 10 doanh nghiệp, 1 doanh nghiệp cấp 2 đến 3 điểm mỏ nhưng chúng ta quản lý được"- ông Thu nhấn mạnh.

H.ANH