Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam tăng cường đo đạc, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Thứ ba, 10/10/2023 06:21
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam giám sát thực hiện Nghị quyết 07 tại huyện Tây Giang.

Tỷ lệ thực hiện thấp

Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2026 sẽ đo đạc, bổ sung, đo vẽ lại bản đồ địa chính theo tỷ lệ 1/10.000 với diện tích 90.469ha của 51.441 thửa; đo đạc, chỉnh lý biến động 251 mảnh bản đồ địa chính, diện tích 26.405ha; kê khai, đăng ký, cấp GCNQSDĐ là 50.919 giấy và cấp đổi 16.540 giấy. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 114 tỷ đồng.

Báo cáo tại cuộc họp giữa thường trực HĐND tỉnh với các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan cho thấy: Tổng diện tích đất lâm nghiệp 9 huyện trung du, miền núi của Quảng Nam trên 320.880 ha. Đến nay, diện tích đã đo đạc, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên 48.210 ha (trên 15%). Tổng GCNQSDĐ cấp lần đầu trên 35.760 giấy; tổng GNQSDĐ cấp đổi gần 820 giấy; tổng số lượng sổ địa chính 100 quyển và mục kê đất đai 100 quyển.

Theo ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết 07 khi ban hành được sự quan tâm ủng hộ của người dân rất nhiều, vì người dân sẽ được thụ hưởng về mặt pháp lý đất lâm nghiệp. Tất cả các huyện miền núi đều phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán; 25/85 xã điểm đã tiến hành đo đạc; có 3 huyện triển khai thực hiện tốt công tác này, như Tây Giang đo đạc 2/2 xã, huyện Nông Sơn 6/6 xã, huyện Bắc Trà My 6/13 xã và đã cấp 500 GCNQSDĐ cho người dân.

Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp chưa được đo đạc, cấp GCNQSDĐ toàn tỉnh vẫn còn lớn (khoảng 85%), một số địa phương còn chậm trễ trong thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do gói thầu triển khai khu vực miền núi cao, địa hình phức tạp nên số lượng nhà thầu tham gia hạn chế; ranh giới 3 loại rừng: đặc dụng, phòng hộ, sản xuất không tập trung gây khó khăn cho việc đo đạc và xác định ranh giới… Việc giải quyết đất dự án theo Chương trình 116 và Chương trình 327 gặp nhiều khó khăn và lúng túng, các thủ tục hồ sơ bị thất lạc, cơ quan chủ quản các dự án trước đây đã giải thể cho nên việc đo đạc, xác định nguồn gốc đất và giao lại cho dân gặp nhiều lúng túng….

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam thực hiện đo đạc, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp theo Nghị quyết 07 HĐND tỉnh.

Tăng cường giám sát, đẩy nhanh tiến độ

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Công Thanh - Trưởng đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết 07 HĐND tỉnh cho biết, kết quả đạt được ở một số xã tạo hiệu ứng rất tốt đối với người dân đang quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi. Một nghị quyết có ảnh hưởng rất lớn như Nghị quyết 07 thì hằng năm phải có trong chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Nghị quyết 07 mới thực hiện gần nửa chặng đường, có những khó khăn nhất định, nhất là thiếu nhân lực, nhưng không phải vì vậy mà dừng lại. Các ngành chuyên môn cần có sự chủ động trong công tác phối hợp về xác định đất có chồng lấn chứ người dân chỉ đâu đơn vị tư vấn đo đạc đó thì quan ngại là đúng. HĐND tỉnh sẽ có nghị quyết giám sát kiến nghị cụ thể đối với từng vấn đề nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn”, ông Thanh nói.

Qua giám sát của HĐND tỉnh cũng cho thấy: Nhiều địa phương khoán trắng cho Phòng TN-MT và đơn vị tư vấn thực hiện. Các địa phương chưa phối hợp tốt với Sở TN-MT, ngành chuyên môn liên quan nên trong quá trình thực hiện gặp các vướng mắc, khó khăn nhưng không kịp thời giải quyết. HĐND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT, Sở NN&PTNT giải trình làm rõ trách nhiệm liên quan bằng báo cáo trong việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai Nghị quyết 07, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; cũng như đề xuất giải pháp thực hiện để hoàn thành tiến độ đề ra vào năm 2026.

Cũng qua giám sát, HĐND tỉnh Quảng Nam đề xuất các giải pháp liên quan đến hoàn thiện chính sách pháp luật, công tác quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 07 trong giai đoạn 2021 - 2026. Ông Đinh Văn Hươm kiến nghị: “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn để thực hiện đạt tiến độ nghị quyết đề ra. Sở TN-MT là đơn vị chủ trì việc này cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện trong công tác đo đạc, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn… đặc biệt là đo đạc, chỉnh lý 40% sang đo đạc mới để sát với khối lượng thực tế tại các địa phương hiện nay khi mà phát sinh. Hướng dẫn các địa phương bổ sung hoặc làm mới dự toán thiết kế kỹ thuật khi có phát sinh và biến động lớn trong quá trình thực hiện; đồng thời cập nhật giá mới để các nhà đầu tư tham gia vào dự án. Sở NN&PTNT cần phối hợp với các địa phương xác định ranh giới, việc chồng lấn giữa đất sản xuất với quy hoạch 3 loại rừng để tạo sự thống nhất giữa người dân, địa phương và các cơ quan đơn vị để triển khai nhanh chóng và thông suốt trong thời gian đến”.

THẠCH HÀ