Quảng Nam thiếu hụt nhân lực y tế
Khó khăn tuyến Y tế huyện vùng cao
Huyện vùng cao Nam Trà My hiện có 115 cán bộ, y bác sỹ, còn thiếu 14 chỉ tiêu so với biên chế và số lượng người làm việc được giao. Riêng tại TTYT huyện có 71 cán bộ, y bác sỹ. Trong đó, chỉ có 5 bác sỹ chuyên khoa, vì thế rất khó chủ động cử viên chức đi đào tạo nên nhiều chuyên khoa không thể thực hiện được, phải chuyển người bệnh lên tuyến trên như: phẫu thuật - thủ thuật, y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Do thiếu hụt nhân lực nên một người phải đảm nhiệm nhiều công việc tại các khoa/phòng, bộ phận để đảm bảo theo quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế và mới được Bảo hiểm Y tế (BHYT) thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Chị Tô Thị Mỹ Dung - điều dưỡng của TTYT H. Nam Trà My chia sẻ: “Tôi làm việc chung nhóm với 6 điều dưỡng tại phòng khám và khoa cấp cứu của TTYT huyện. Nếu bố trí đủ thì hai khoa phòng này phải có 8 điều dưỡng. Dù thiếu nhưng lâu nay các điều dưỡng chia sẻ thời gian và công việc, phối hợp với các bác sỹ để chăm sóc bệnh nhân”.
Y tế xã ở Nam Trà My hiện có 44 người, chiếm hơn 38,2% nhân lực y tế toàn huyện, còn thiếu 16 biên chế. Có 9/10 xã còn thiếu từ 1 đến 3 biên chế y tế; 8 xã không có nữ hộ sinh. Y tế thôn bản toàn huyện có 120 người, thiếu 30 người (có 16 nhân viên y tế thôn bản bỏ việc và chuyển đi nơi khác). Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, nguyên nhân thiếu nhiều y bác sỹ và y tế thôn bản trên địa bàn huyện thời gian qua là do chưa được tuyển mới, số bỏ việc cũng khá nhiều. Nhiều năm liền TTYT huyện không có Phó Giám đốc, nay mới được bổ nhiệm. Thiếu cán bộ, y bác sỹ nên công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Khi dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay thì càng thêm khó khăn, phức tạp.
Sớm tuyển dụng, thu hút
Không chỉ thiếu hụt y bác sỹ và nhân viên y tế trực tiếp khám chữa bệnh, nhiều BV chuyên khoa và TTYT ở Quảng Nam thiếu cán bộ quản lý cấp phó như: BV Phạm Ngọc Thạch, TTYT các H.Tiên Phước, Nông Sơn, thị xã Điện Bàn. Nguyên nhân là công tác đào tạo, bồi dưỡng tại một số BV, TTYT chưa thật sự gắn với công tác quy hoạch để đạt chuẩn trình độ cho các chức danh bổ nhiệm; đồng thời do dịch bệnh phức tạp, kéo dài, các đơn vị tập trung công tác chuyên môn, phòng chống dịch nên chưa cử nguồn theo học các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực Y tế, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho biết, qua 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh theo các Nghị quyết 11, 01, 39 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo 77/93 kỹ thuật chuyên sâu (chiếm tỷ lệ 82,8%) cho 77 bác sĩ; đào tạo 40/58 êkip (69%) cho 145 bác sĩ, nhân viên y tế với tổng kinh phí hơn 9,5 tỷ đồng. Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, Nghị quyết HĐND tỉnh tạo điều kiện cho cán bộ y bác sỹ tế tham gia đào tạo, đào tạo chuyên sâu về chuyên môn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, qua giám sát thì tình trạng thiếu hụt bác sĩ tại các BV chuyên khoa và TTYT huyện khá lớn, không đảm bảo chỉ tiêu bác sĩ/vạn dân theo quy định.
Báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa X vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị: Năm 2022 sẽ kết thúc việc thực hiện các Nghị quyết nêu trên, do đó UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế hoàn thành dứt điểm việc tổ chức đào tạo theo kế hoạch và tham mưu tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. Cạnh đó, UBND tỉnh căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 140 của Chính phủ để thực hiện tuyển dụng, thu hút, tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Đây là yêu cầu cấp thiết cần tăng cường nguồn nhân lực y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập của tỉnh hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu quy định tại Quyết định số 3616 ngày 29-7-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và vận dụng các quy định liên quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách động viên, đãi ngộ, thu hút và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Thạch Hà