Quảng Nam: Thương lái đổ xô mua ốc đinh xuất khẩu
(Cadn.com.vn) - Ốc đinh thân dài, đuôi nhọn, thường sống nhiều ở những bãi bùn cát dọc triền sông, giáp với biển. Bà Phan Thị Linh (trú thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, H. Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, vợ chồng bà trước đây đánh bắt cá trên sông, nhưng mấy năm trở lại đây, khu công nghiệp xây dựng xả nước thải ra sông nên hải sản suy kiệt. Từ ngày thương lái thu mua ốc đinh, vợ chồng ông bà chuyển nghề. “Bắt ốc đinh cũng như đón lộc vậy, ngày nhiều được gần 1 triệu, ngày vài trăm ngàn đồng. Mặc dù người dân khai thác nhiều nhưng không liên tục nên ốc sinh sôi phát triển mạnh. Đặc biệt nhất, ốc đinh nước lớn thì chui vào cát ở, chỉ lúc nước xuống ốc mới ngoi lên, do đó bà con khai thác miết mà không hết”, bà Linh cho biết.
Với công việc bấm đít ốc, mỗi ngày chị em vùng biển Núi Thành |
Theo ngư dân nơi đây cho biết, nghề bắt ốc đinh không khó, chỉ vất vả là khi phải đi theo con nước. Có tháng con nước rút vào ban đêm, phải chong đèn đi tìm. Người bắt ốc mắt lúc nào cũng liếc ngang, liếc dọc. Hai chân thì tím tái vì phải dầm bùn đen. Cả người cứ khụp xuống như con tôm càng... Do khai thác dựa theo con nước nên mỗi tháng chỉ đánh bắt được từ 6-10 bữa. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường (thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải) cũng là một trong những gia đình gắn bó với nghề ốc đinh nhiều năm nay. Dụng cụ hành nghề của hai vợ chồng rất đơn giản, chỉ một cái ghe chừng 10 triệu đồng và một cái cào tự chế. Thuyền nổ máy, anh Trường cho cào xuống đáy sông và chèo lái đi một lối thẳng tắp, đôi tay nắm chặt cào. Đi khoảng chừng 50m, một đống ốc đinh nằm gọn trong cào, anh đưa lên đổ vào thuyền. Mỗi đêm vợ chồng anh Trường đánh bắt cũng được trăm ký, có hôm thuyền chở không hết.
Ốc đinh bình quân 65 con một lạng. Loại này thương lái mua với giá 4.000 đồng/ký. Loại ốc nhỏ hơn, ốc chết thì đem bán cho cơ sở nung vôi với giá 10.000 đồng/bao. Với giá như trên, trung bình sau mỗi đêm đánh bắt, vợ chồng anh Trường thu về 400.000 đồng.
Bà Huỳnh Thị Thanh Tùng (bìa trái) thu mua ốc đinh người dân đem bán. |
Có hơn 10 năm thu mua hải sản, bà Huỳnh Thị Thanh Tùng (trú thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, H. Núi Thành) có hàng chục mối để thu mua. Khi hay tin ốc đinh có giá, bà liền đặt mối liên hệ để gom hàng. Ốc đinh sau đó được đưa đến cơ sở của bà, tại đây chị em lao động bấm đít, sau đó chế biến bán lại cho Cty để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Với cơ sở nhỏ bé, nhưng nhờ nguồn cung ổn định, bà Tùng tạo công ăn việc làm cho cả trăm người, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Tùng cho biết: Cơ duyên đến với nghề thu mua và chế biến ốc đinh rất tình cờ nhưng lại đầy ý nghĩa. Mỗi ngày cơ sở của bà thu mua hàng chục tấn ốc của các gia đình ven biển, nhiều nhất là địa bàn H. Núi Thành. Với lượng ốc đó, sau khi chế biến, bà Tùng chuyển giao lại cho “chủ” là một Cty xuất khẩu ốc ở TP Đà Nẵng, xuất hàng bán sang Hàn Quốc. “Gia đình tôi sống ổn định với nghề thu mua và chế biến ốc đinh từ nhiều năm nay. Niềm vui lớn là tôi thu mua ốc của các gia đình ven biển bắt được với giá tương đối cao so với mặt bằng chung. Sau đó, tôi lại tạo điều kiện để chị em phụ nữ cùng thôn đến nhận ốc về gia công cắt đuôi ốc với mức lương cũng tương đối ổn định”, bà Tùng chia sẻ. Khi chúng tôi đến, tại cơ sở của bà Tùng có 10 lao động thường trực. Với phần việc cắt đuôi ốc trong thời gian nhàn rỗi, mỗi kg với giá 2.000 đồng, các phụ nữ ở thôn Đông Xuân có được nguồn thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Còn các lao động thường trực tại cơ sở này có nhiệm vụ nhận hàng, rửa sạch ốc, luộc và đóng gói, được bà Tùng trả lương khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng...
Hiện tại ngoài Quảng Nam, một số tỉnh ven biển miền Trung khai thác ốc đinh với số lượng lớn. Thị trường trước đây thương lái thu mua và chế biến xuất sang Hàn Quốc, nhưng mới đây những nước Châu Âu như Thụy Sĩ, Đức cũng nhập loài ốc này để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Bão Bình