Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam tránh được tình huống ngân sách “vỡ trận”

Thứ tư, 09/12/2020 13:12

Chiều 8-12, sau 2 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại kỳ họp.

Kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhìn nhận: Việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có 19/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2019 và năm 2020 nên việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến một số chỉ tiêu tổng thể của giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 không đạt, đó là: Tổng sản phẩm trên địa bàn, tốc độ tăng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người,...

“Những khó khăn, thách thức mà chúng ta đã và đang đối mặt trong thời gian qua dự báo sẽ còn kéo dài và tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 và 5 năm giai đoạn 2021-2025. Điều đó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo nền tảng phát triển cho những năm tiếp theo”- ông Phan Việt Cường đề nghị.

Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và người dân cần tiếp tục phát huy tinh thần cảnh giác cao, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, nhanh chóng khắc phục thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra, tích cực tìm kiếm người bị nạn còn mất tích, kịp thời hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn sau bão lũ, công nhân, những người lao động mất việc làm có cuộc sống ấm no trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

“Ngay sau kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc xem xét, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri; khẩn trương cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp để những quyết sách sớm đi vào cuộc sống. Đề nghị các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện, thị xã, thành phố kịp thời tổ chức tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả của kỳ họp; đồng thời tiếp tục ghi nhận đầy đủ các ý kiến kiến nghị của cử tri để báo cáo lại HĐND tỉnh”- ông Cường nhấn mạnh.

Nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm

Trước đó tại kỳ họp, một số lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã giải đáp một số vấn đề mà cử tri và các đại biểu quan tâm. Trong đó đáng chú ý là tình trạng ngập lụt xảy ra những năm gần đây tại TP Tam Kỳ; chợ Bà Rén đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chậm đưa vào sử dụng; nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở núi, phá rừng...

Nói về nguyên nhân ngập lụt tại TP Tam Kỳ, ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho hay, hệ thống thoát nước đô thị Tam Kỳ hiện đã được đầu tư đồng bộ. Toàn thành phố hiện có 5 cửa xả thoát nước. Thế nhưng thời gian qua, TP Tam Kỳ thường xuyên ngập lụt, đặc biệt là vào năm 2018. Sau trận lũ lớn đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng xây dựng đề án nghiên cứu, đánh giá về tình trạng này. Hiện đề tài này đã được trình bày, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành để triển khai đưa vào ứng dụng thực tiễn. “Đề án này thực hiện việc mô phỏng, dự báo ngập lụt, tính toán, đề xuất giải pháp xử lý, xây dựng hành lang thoát lũ cho TP Tam Kỳ và các vùng lân cận. Từ đó sẽ giải được bài toán ngập lụt ở đô thị Tam Kỳ”- ông Nguyễn Phú nói.

Liên quan đến chợ Bà Rén (xã Quế Xuân, H. Quế Sơn) được giao cho đơn vị tư nhân đầu tư, xây dựng đã nhiều năm qua nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Về vấn đề này, lãnh đạo H. Quế Sơn cho biết, đến nay chủ đầu tư là Cty TNHH Kinh doanh Tân Ngọc Phúc vẫn chưa bàn giao cho địa phương quản lý nên những tồn tại, vướng mắc địa phương không thể xử lý được. “Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm đưa chợ vào sử dụng là do hiện nay hệ thống nguồn nước cung cấp cho chợ chưa có; đường vào chợ cũng chưa được phép đấu nối với QL1A. Ngoài ra đánh giá tác động môi trường mới được tỉnh phê duyệt cho khu vực trong chợ, còn bên ngoài chợ vẫn chưa được đánh giá, bảo đảm môi trường”, ông Đinh Nguyên Vũ - Chủ tịch UBND H. Quế Sơn cho hay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu nội dung cây keo có phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở núi thời gian qua hay không, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, vấn đề trên cần có nghiên cứu khoa học, không thể trả lời sớm ngay tức khắc được. “Vừa qua đã có nhiều ý kiến nói về nguyên nhân sạt lở ở miền núi, nhưng nguyên nhân chính là do cường độ mưa lớn. Ở khu vực miền núi cao ít có diện tích trồng keo nhưng cũng bị sạt lở. Do đó nói trồng keo là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở núi thì cần xem lại. Tuy nhiên, cây keo cũng có một số tác hại, như không giữ nước, rễ gây tơi xốp đất dẫn đến dễ xói lở, thảm thực vật dưới gốc cây không phát triển được...

Về tình trạng phá rừng, ông Tích cho rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nguyên nhân khách quan do người dân phá rừng làm nương rẫy. Nguyên nhân chủ quan do sự phối hợp giữa địa phương và các hạt kiểm lâm không chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, do lực lượng kiểm lâm của tỉnh vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn lẫn sức khỏe nên chưa đáp ứng nhu cầu công việc...

 Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam trả lời một số nội dung cử tri quan tâm.

Ngân sách không bị vỡ trận

Tại kỳ họp, thay mặt UBND tỉnh Quảng Nam giải trình làm rõ thêm các nội dung được nêu ra tại các phiên thảo luận ở hội trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, năm 2020 là một năm lịch sử của Quảng Nam. Chưa bao giờ tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn như năm nay, kể cả dịch bệnh Covid-19, thiên tai, hụt thu ngân sách. Có 5/17 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao thực hiện không hoàn thành... Trước những khó khăn phải đối mặt, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt điều chỉnh chỉ tiêu, kể cả đầu tư công và chi thường xuyên và triệt để thực hành tiết kiệm. Nhờ vậy tỉnh đã cân đối được ngân sách, không bị vỡ trận do hụt thu ngân sách. “Cho đến nay, chúng ta đã kiểm soát được tình hình, nguồn thu ngân sách ở thời điểm cuối năm tăng lên rõ rệt, giúp giảm hụt thu. Do đó, lần này UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét cho phục hồi một số công trình, dự án đã hoàn thiện các thủ tục, dự kiến triển khai năm 2020”- ông Lê Trí Thanh nói.

Nói về việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, thiệt hại do thiên tai gây ra vô cùng lớn, đặt ra yêu cầu cần phải bắt tay khắc phục ngay ở thời điểm cuối năm 2020 và tập trung cho cả năm 2021. “Tình trạng sạt lở ở khu vực miền núi đặt ra một vấn đề về phát triển bền vững khu vực miền núi sẽ như thế nào. Chúng ta nhận diện thiên tai gây ra thiệt hại, thách thức nhưng cũng là cơ hội để nhận diện lại sự phát triển bền vững của khu vực miền núi. Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, quan điểm của UBND tỉnh là phải tập trung khắc phục các công trình, hạ tầng sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, nhất là khu vực miền núi. Những công trình, dự án nào đã được thông qua nhưng chưa thật sự cần thiết thì tạm dừng, lùi thời gian triển khai để tập trung nguồn lực cho những công trình bức thiết bị thiệt hại do mưa lũ gây ra ...” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

TRẦN TÂN