Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam: Triển khai hàng loạt dự án khôi phục nghề dâu tằm

Thứ sáu, 06/07/2018 13:40

Đây là lần đầu tiên Quảng Nam đón nhận những dự án tiềm năng, mới mẻ mang tính đột phá về tơ tằm, thời điểm này là cơ hội tốt để vực dậy làng nghề đã từng giúp đời sống người dân hưng thịnh suốt nhiều thập kỷ.

Trình diễn tơ lụa trong Đêm hội phương Đông tại TP Hội An.

Phát triển giống tằm lai tại Đại Lộc

UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp bàn về việc triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển dâu tằm tơ công nghệ cao tại Đại Lộc. Trước đó, ngày 26-3-2017, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trao Thông báo số 93/TB-UBND về thỏa thuận nghiên cứu lập thủ tục đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển dâu tằm tơ công nghệ cao tại xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc cho Công ty Cổ phần Kraig Biocraft Laboratories Inc. (Hoa Kỳ). Trung tâm nghiên cứu dự tính có quy mô diện tích quy hoạch xây dựng lên đến 50ha, nằm trên địa bàn 2 thôn Đông Phú và Tích Phú, xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Dự án  Trung tâm nghiên cứu và phát triển dâu tằm tơ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1  là thành lập phòng thí nghiệm tại xã Điện Quang. Hoạt động của phòng thí nghiệm là hợp phần đầu tiên của dự án có vai trò quyết định trong việc dự án có tiếp tục giai đoạn nuôi và sản xuất kén tằm ở quy mô thương mại hay không. Giai đoạn 2 là đầu tư xây dựng Khu liên hợp sợi dâu tằm tại xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc với diện tích 50ha. Giai đoạn 3 sẽ hợp tác với chính quyền địa phương thuộc Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên để trồng dâu phục vụ cho việc phát triển và hoạt động lâu dài của dự án.

Theo các chuyên gia trong ngành dự án này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục nghề tằm tơ mà việc thành lập phòng thí nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng con tằm lai còn đưa nghề tơ tằm đi theo hướng chuyên nghiệp hơn. Theo đó những nhược điểm của con tằm trước đây như không chịu được thời tiết bất thường sẽ được cải thiện, sức sống con tằm mạnh hơn cho năng suất cao. 

Tại cuộc họp với đại diện công ty Kraig, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định Quảng Nam rất hoan nghênh chào đón những dự án đầu tư có ý nghĩa thiết thực như dự án tằm tơ này. Tuy nhiên vấn đề này gắn với sự bảo tồn và phát huy một dải làng nghề truyền thống vì vậy phải vô cùng thận trọng. “Đối với những dự án bảo tồn tằm tơ trước đây chúng ta đi theo con đường thí nghiệm, nghiên cứu rồi sau khi được kiểm định sẽ tiến hành nhân rộng tuy nhiên hiện nay theo kế hoạch của dự án thì sẽ nhập khẩu giống tằm lai từ Mỹ về Việt Nam. Con giống này đã được chứng nhận đủ điều kiện theo tiêu chuẩn của Mỹ tuy nhiên cần phải được kiểm định tại Việt Nam nữa. Sau khi hoàn thành các bước kiểm định theo pháp luật Việt Nam, UBND tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục giao đất để xây dựng”, ông Thu cho biết.

* Hàng loạt dự án, nhà đầu tư quan tâm đến việc phục dựng nghề dâu tằm, tơ lụa  như Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam; Công ty Kraig Biocraft Laboratories, HTX Tơ lụa Mã Châu đã bắt tay vào thực hiện những chiến lược riêng của mình.

Dự án Dòng sông lụa

Bên cạnh việc phát triển giống tằm, mở rộng sản xuất trong dân thì việc phát triển nghề tơ tằm gắn liền với du lịch cũng là hướng đi được chính quyền Quảng Nam ưu tiên, tạo điều kiện. Theo đó, dự án “Dòng sông lụa” với Bảo tàng ươm tơ, làng lụa Mã Châu 400 năm, vùng dâu nguyên liệu... đã được tỉnh Quảng Nam thông qua đề án tái hiện với kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng. Ông Lê Thái Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Hội An cho biết dự án gồm nhiều hợp phần như khu trung tâm hội nghị và khu nghỉ dưỡng cao cấp ở vùng Duy Hải, khu định cư cao cấp nam sông Thu Bồn và khu công viên theo chủ đề.

Dự án sẽ gồm tổ hợp khu sản xuất thủ công truyền thống, trưng bày các thành phẩm tơ lụa và thổ cẩm; khu chế xuất các sản phẩm từ cây dâu tằm; khu bán hàng, spa, làm đẹp; khu vui chơi giải trí dân gian và hiện đại phục vụ du khách tham quan, du lịch. Du khách đến với Hội An sẽ đi du thuyền tham quan các vùng trồng dâu ở Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, trải nghiệm cảm giác sông nước, được tham quan bảo tàng tơ lụa Giao Thủy rồi theo sông nước trải nghiệm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng ở Duy Hải, Duy Xuyên. Trong khi đó, làng lụa Mã Châu sẽ đóng vai trò là một trong những điểm tham quan làng nghề truyền thống, cũng là một trong những nơi cung ứng nguyên liệu tơ xuất khẩu.

Ngoài bảo tồn văn hóa làng nghề truyền thống xứ Quảng, dự án còn tạo ra các điểm tham quan, trải nghiệm văn hóa cho du khách trong và ngoài nước. Còn bảo tàng Giao Thủy là nơi giới thiệu về trang thiết bị, quy trình sản xuất, miêu tả giống, vòng đời con tằm, các chất liệu, sản phẩm và mẫu mã... Đây là mô hình rộng hơn, lớn hơn dựa trên dự thành công của Làng lụa Hội An những năm qua.

ĐỒNG DAO