Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam triệt xóa đường dây lừa đảo quốc tế

Thứ ba, 19/06/2018 16:00

Chiều 18-6, Đại tá Nguyễn Đức Dũng – Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam cho biết, CQĐT CA Quảng Nam vừa triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do một nhóm người Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp với nhóm người trong nước thực hiện. Số tiền chiếm đoạt đến thời điểm hiện tại được xác định gần 7 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc).

Nhóm đối tượng người Việt Nam.

Trước đó ngày 6-6, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh Quảng Nam tiếp nhận đơn báo cáo của bà H.T.P. (trú TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) về việc bị nhóm đối tượng thông qua điện thoại lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng. Theo trình bày của bà P, ngày 5-6 bà P. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +6128113 tự xưng là Dương Ngọc Hải, hiện đang công tác tại Tổng cục Cảnh sát đóng tại TP Hồ Chí Minh và đọc chính xác số CMND, ngày cấp của bà P., đồng thời thông báo hiện tại hai tài khoản ngân hàng của bà P. có liên quan đến đường dây mua, bán ma túy xuyên quốc gia đang bị điều tra. Để đảm bảo tính bí mật, người này đề nghị bà P. không được tiết lộ thông tin điều tra với người thứ hai và chuyển hết tiền vào tài khoản của một người tên Đ.V.Q. để đảm bảo, vì tài khoản của bà P. bị rò rỉ thông tin. Cả tin, bà P. rút hết số tiền gửi tại Ngân hàng An Bình và Sacombank chuyển vào tài khoản trên số tiền 1.943.474.000 đồng. Sau khi nhận được tiền, đối tượng gọi điện yêu cầu bà P. đốt hết các chứng từ liên quan...

Sau khi tiếp nhận đơn báo cáo của người bị hại, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc CA tỉnh, lãnh đạo Phòng CSHS chỉ đạo cho Đội 7 phối hợp với các đội nghiệp vụ tiến hành điều tra, thu thập thông tin với quyết tâm phải bắt giữ, xử lý bằng được đối tượng phạm tội. Từ ngày 10-6, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam đã cử Tổ công tác tiến hành điều tra xác minh, phối hợp với Phòng CSHS CA tỉnh Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 12 đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không tố giác tội phạm.

Đặc biệt trong nhóm đối tượng trên có 6 đối tượng là người nước ngoài. Nhóm đối tượng người nước ngoài gồm: Chung Shao Teng (1995), Chang Seng Ping (1995), Chang Chia Pin (1997), Bian Zong Xun, Chang Fu Lung và Lo Yu Hsuan (1998, cùng Quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc). Bên cạnh đó, nhóm đối tượng Quốc tịch Việt Nam gồm: Huỳnh Hoàng Ân (1993, trú TT Châu Thành, H. Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), Đoàn Văn Quân (1991, trú An Tinh, Trảng Bàng, Tây Ninh), Đinh Chí Quyền (1989, trú, Trường Cửu, Trường Hòa, Châu Thành, Tây Ninh), Trần Huỳnh Phúc (1983, trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Lê Văn Sửu (1985, trú Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nguyễn Minh Trương (1991, trú Phước Đông, Gò Dầu, Tây Ninh).

Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm đối tượng người Đài Loan – Trung Quốc thông qua mạng Internet tìm kiếm thông tin các cá nhân tại Việt Nam và sử dụng mạng Internet gọi điện bằng VOIP (đây là tổng đài ảo mua phần mềm trên mạng, tự tạo ra một số điện thoại bất kỳ mà khi gọi sẽ hiện trên máy người nghe) cho người Việt Nam mạo danh là cán bộ cơ quan thực thi pháp luật đang điều tra các vụ án đề nghị giữ bí mật và nếu có tiền thì gửi vào tài khoản của CQĐT (thực tế là tài khoản của nhóm đối tượng người Việt Nam) để phục vụ công tác điều tra. Khi nạn nhân tin thông tin do nhóm đối tượng này trao đổi là thật nên đã tiến hành chuyển tiền vào các số tài khoản cá nhân người Việt Nam do các đối tượng Hoàng Huỳnh Ân, Đoàn Văn Quân, Đinh Chí Quyền, Trần Huỳnh Phúc, Lê Văn Sửu, Nguyễn Minh Trương đứng tên. Khi có nạn nhân bị lừa chuyển tiền vào tài khoản nào thì nhóm đối tượng tại Đài Loan - Trung Quốc sẽ liên lạc với Chung Shao Teng và yêu cầu Chung Shao Teng cử người Đài Loan cùng với chủ tài khoản người Việt Nam ra Ngân hàng rút tiền về chi tiền hoa hồng còn lại giao cho Bian Zong Xun để Bian Zong Xun giao cho người thứ 3 theo sự chỉ đạo của nhóm người tại Đài Loan - Trung Quốc.

Từ đầu tháng 5-2018, nhóm đối tượng gồm: Bian Zong Xun, Chung Shao Teng, Chang Fu Lung, Lo Yu Hsuan được đối tượng tại Đài Loan - Trung Quốc thuê sang Việt Nam để cùng với nhóm đối tượng người Việt Nam rút tiền từ tài khoản lừa đảo được với tiền công 1.000 Đài tệ (tương đương 700 ngàn đồng/ngày và tiền hoa hồng 0,3% số tiền chiếm đoạt được). Sau đó, nhóm đối tượng này sang Việt Nam ở tại các khách sạn thuộc khu vực Q.10 (TPHCM) và liên lạc với Huỳnh Hoàng Ân, yêu cầu Ân thuê người Việt Nam để mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng làm phương tiện chiếm đoạt tài sản. Theo yêu cầu của nhóm người Đài Loan, Huỳnh Hoàng Ân liên hệ và thuê các đối tượng: Đoàn Văn Quân, Đinh Chí Quyền, Trần Huỳnh Phúc, Lê Văn Sửu, Nguyễn Minh Trương mở mỗi người 8 tài khoản tại các Ngân hàng AgriBank, SacomBank, MB Bank, ViettinBank, VietcomBank, SCB, SHB, BIDV, ACB với tiền công mỗi ngày 1 triệu đồng và tiền hoa hồng 2,5% số tiền rút ra từ tài khoản.

Qua điều tra bước đầu xác định, trong thời gian từ đầu tháng 5-2018 đến ngày 13-6, nhóm đối tượng tại Đài Loan đã lừa đảo nhiều bị hại người Việt Nam. Sau khi lừa đảo, nhóm đối tượng người Đài Loan và Việt Nam tại Việt Nam đã rút từ các tài khoản ngân hàng tổng số tiền hơn 6,9 tỷ do bị hại người Việt Nam chuyển khoản vào. Trong số tiền các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên bước đầu xác định được 1 bị hại là bà H.T.P. (H. Đại Lộc, Quảng Nam).

Hiện vụ việc đang được CQĐT tiếp tục điều tra, làm rõ. Thông qua bài viết này, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Nam yêu cầu những ai là bị hại của nhóm đối tượng nêu trên liên hệ Đội 7, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam (gặp Điều tra viên Phạm Việt Ân - SĐT: 0905032886 hoặc Lương Đức Lâm - SĐT: 0905.669985 để được giải quyết).

TRẦN TÂN