Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam xem xét thu hồi dự án thủy điện tác động xấu đến môi trường

Thứ sáu, 22/01/2021 19:47

Ngày 20-1, UBND tỉnh Quảng Nam có cuộc họp với các sở, ban ngành và địa phương liên quan về rà soát các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Quang-  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, những dự án thủy điện có tác động lớn đến môi trường cần phải rà soát, xem xét thu hồi nhằm tránh ảnh hưởng sau này.

Một dự án thủy điện đang trong quá trình xây dựng tại Quảng Nam. 

* Ngày 27-12-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các địa phương dừng xây dựng dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư. Các dự án này chỉ được triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo các tiêu chí: không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường; không ảnh hưởng lớn đến dân cư; không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, chưa xem xét, nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào quy hoạch với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10MW...

 

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay địa phương quy hoạch 46 dự án thủy điện với tổng công suất 1.816 MW. Trong đó, có 22 dự án đã vận hành, công suất 1.273 MW; 8 dự án đang triển khai xây dựng; 12 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 4 dự án khảo sát xin chủ trương đầu tư. Trong số đó có 9 dự án ảnh hưởng đến di dân tái định cư với 1.735 hộ, 8.517 nhân khẩu. Tổng 46 dự án chiếm 12.303ha đất, trong đó 190ha đất ở; 114ha đất giao thông; 260ha đất chuyên dùng; 1.512ha sông suối, mặt nước; 1.804ha đất khác, chưa sử dụng; 2.267ha đất trồng cây lâu năm; 2.399ha đất trồng cây hàng năm, sản xuất; 659ha đất rừng phòng hộ; 122ha đất rừng đặc dụng và 191ha chuyên trồng lúa nước. Trong quá trình rà soát, đến nay Quảng Nam đã loại bỏ khỏi quy hoạch 25 dự án thủy điện vừa và không có hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, tài nguyên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng bổ sung 4 dự án không ảnh hưởng đến di dân, tái định cư; ít ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên.

Lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Nam đánh giá, các dự án thủy điện vận hành góp phần huy động được nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân vùng dự án, như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước, nhà tình nghĩa, công trình phúc lợi... Thủy điện cũng giải quyết một phần lực lượng lao động địa phương trong quá trình xây dựng. "Các dự án thủy điện trên địa bàn đảm bảo nhu cầu cung ứng điện cho tỉnh Quảng Nam và cung cấp hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các dự án nằm ở khu vực miền núi nên ít nhiều đều có tác động đến các loại đất rừng. Ngoài ra, một số diện tích đất khai hoang cấp cho dân từ chủ đầu tư các dự án thủy điện rất xấu, sản xuất hiệu quả thấp. Nhà tái định cư các dự án thủy điện đầu tư kiên cố nhưng chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với tập quán của đồng bào vùng cao. Đặc biệt, trong năm 2020 các đợt mưa lũ đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại một số địa phương. Tuy nhiên, cần phải có các khảo sát, nghiên cứu để đưa ra các đánh giá có cơ sở về các nguyên nhân gây ra sạt lở này", ông Đặng Bá Dự- Giám đốc  Sở Công Thương thông tin thêm.

Việc triển khai xây dựng thủy điện trên địa bàn vùng cao Quảng Nam ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Tại cuộc họp, ông A Viết Sơn- Phó Chủ tịch UBND H. Nam Giang cho hay, trên địa bàn huyện có đến 11 dự án thủy điện, trong đó 6 thủy điện đã hoạt động; 3 dự án đang triển khai và 2 dự án khảo sát xin chủ trường đầu tư. Theo ông Sơn, nhìn chung thủy điện giúp địa phương có được cơ sở hạ tầng, thu ngân sách. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng thủy điện đã thu hồi đất sản xuất của người dân, sau đó dân không có đất sản xuất nên xảy ra tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ. Do đó, ông Sơn cho rằng các dự án không cần thiết, ảnh hưởng lớn môi trường thì cần loại bỏ. "Ngoài ra, tình trạng nhiều đường dây điện của các dự án thủy điện chạy qua địa bàn huyện quá dày đặc, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Các trục đường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội đều có đường dây điện cao thế đi qua nên gây trở ngại cho việc quy hoạch, phát triển của địa phương", ông Sơn nói.

Ngoài ra, tại cuộc họp một số ý kiến cho rằng, nhiều dự án thủy điện được cấp chủ trương đầu tư hơn 10 năm, nhưng chậm triển khai; có những dự án gia hạn nhưng vẫn không thực hiện đúng cam kết đầu tư xây dựng. Đối với những dự án này phải khảo sát, rà soát, trường hợp ảnh hưởng lớn môi trường thì xem xét thu hồi...

Sau khi lắng nghe ý kiến của các ban ngành và địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang kết luận, đối với các dự án đã đi vào hoạt động, chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình, thực hiện quy trình vận hành điều tiết nước liên hồ, đơn hồ chặt chẽ, đúng quy định; tăng cường đầu tư quan trắc tự động để theo dõi, dự báo, điều hành. Đối với nhóm các công trình đang thi công, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải được đánh giá cụ thể. "Sắp tới, Sở Công Thương cần phối hợp với một số sở ngành rà soát (có thể thanh tra) từng dự án thủy điện về tiến độ, hiệu quả, mức độ tác động để đề xuất xem xét cho từng dự án cụ thể. Quan điểm của tỉnh Quảng Nam không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế với bất cứ giá nào. Những dự án ảnh hưởng đến môi trường phải đánh giá thật kỹ, sau đó xem xét để có đề xuất xử lý, kể cả tạm dừng, thu hồi.

BÃO BÌNH