Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Trị: Cà-phê "hết thời", đợi mít thái, sầu riêng thế chân

Thứ tư, 17/03/2021 15:00

Lên Hướng Hóa (Quảng Trị) đúng mùa hoa cà-phê nở trắng mới thỏa mắt về sự rộng lớn, ngút ngàn bao trùm lên đồi, rẫy của Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và TT Khe Sanh. Với 5.000 ha, cà phê Catimor là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của H. Hướng Hóa nhiều năm qua. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều hộ dân quyết định không tái canh, có nhu cầu chuyển đổi trồng cây ăn quả; cùng với việc thực hiện một số dự án năng lượng đầu tư trên địa bàn khiến diện tích cây cà-phê H. Hướng Hóa dự báo giảm mạnh.

Nhiều hộ không tái canh, muốn thay thế diện tích cây cà-phê kém hiệu quả.

Thực hiện quyết định số 837/QĐ - UBND ngày 24-4-2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về phê duyệt Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tính đến 2025, UBND H. Hướng Hóa đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn huyện. Mục tiêu đề án là từ năm 2017-2025 thực hiện tái canh 1.910 ha, trong đó giai đoạn 2017 - 2020 là 800 ha, giai đoạn 2021 - 2025 là 1.110 ha, tập trung vào 10 xã trồng cà phê chủ lực. Theo Phó Chủ tịch UBND H. Hướng Hóa Lê Quang Thuận, qua thời gian thực hiện, tính đến cuối năm 2020 đã trồng mới và tái canh được 490,5 ha/800 ha kế hoạch, đạt hơn 61%.

Trong đó, năm 2017 tái canh được 137 ha, đến năm 2018 là 150 ha, sang năm 2019 là 82 ha và năm 2020 đạt 121,5 ha. Tháng 1-2021, huyện triển khai đăng ký diện tích tái canh cà phê năm 2021 nhưng đến tháng 3 - 2021 chỉ có 2 xã, thị trấn đăng ký nhu cầu hỗ trợ thực hiện tái canh với diện tích 14,55ha. Cụ thể: xã Hướng phùng 8,95 ha và TT Khe Sanh 5,6 ha. Các xã Tân Hợp và Hướng Tân đã đăng ký tái canh 12 ha theo nguồn vốn do Trung tâm Khuyến nông thực hiện. Còn lại một số xã thuộc phạm vi đề án có nhu cầu chuyển đổi sang hỗ trợ một số loại cây ăn quả đặc sản có tiềm năng phát triển, phù hợp với điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng. Chính vì thế, kinh phí thực hiện đề án tái canh cây cà phê năm 2021 do tỉnh phân bổ là 275 triệu đồng nhưng diện tích có nhu cầu cần hỗ trợ chỉ tương đương 134 triệu đồng. 

Đứng bên rẫy cà phê già cỗi, hộ Lê Văn Bình (60 tuổi, xã Tân Hợp, H. Hướng Hóa) cho biết nông dân trồng cây cà phê đã nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh và huyện, đó là động lực để bà con gắn bó và đầu tư cho loại cây này. Tuy nhiên, diện tích đăng ký tái canh thấp không đạt kế hoạch đề ra là do những năm gần đây giá sản phẩm cà phê giảm sâu, trong khi chi phí đầu vào sản phẩm tăng, định mức đầu tư tái canh theo đúng quy trình kỹ thuật tái canh cần nguồn vốn tương đối lớn dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo lãnh đạo huyện, phương thức sản xuất của người dân đã có sự thay đổi nhất định song với tập tục canh tác truyền thống đã ăn sâu, cộng với quy trình trồng, chăm sóc cây cà phê đòi hỏi đầu tư lớn và nhu cầu thâm canh mới có năng suất và hiệu quả cao nhưng nhiều hộ đang gặp khó khăn kinh tế, không đáp ứng được yêu cầu về quy trình kỹ thuật. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, đẩy mạnh tái canh cây cà phê, UBND Huyện đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh điều chỉnh một số chính sách, cụ thể đối với tái canh bằng hình thức trồng mới: hỗ trợ kinh phí giống cây trồng mới (100%) hoặc kết hợp hỗ trợ 70% kinh phí mua giống cây và 50% kinh phí mua phân bón chăm sóc năm đầu tiên. Tái canh bằng hình thức cưa phục hồi: hỗ trợ 70% chi phí phân bón và chế phẩm sinh học xử lý đất.

Cũng trước thực trạng hiện tại, UBND H.Hướng Hóa cũng đề nghị cấp trên xem xét cho phép chuyển đổi từ 1.000 - 1.500 ha diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, bơ 034, mít Thái. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của nông dân. Như vậy, còn khoảng 3.500 - 4.000 ha cà phê duy trì và phát triển. Hiện UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT đặt hàng gieo ươm 61.110 cây giống cà phê Catimor để diện tích tái canh kịp thời vụ.

Bảo Hà