Quảng Trị: Chưa xác định nguyên nhân tôm chết hàng loạt
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, hiện tượng tôm chết hàng loạt với ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng mà chưa xác định được nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi tôm tại xã Trung Hải (H. Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) không khỏi hoang mang, lo lắng. Đây đã là lần thứ hai tình trạng này diễn ra ở Trung Hải nhưng vẫn chưa tìm được biện pháp khắc phục khiến nhiều hộ nuôi tôm đứng trước nguy cơ mất trắng qua mỗi vụ nuôi và môi trường tại đây cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Toàn xã Trung Hải có gần 100 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, chủ yếu tập trung ở các thôn Xuân Long, Xuân Mỵ và Xuân Hòa. Đây là diện tích người dân chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm.
Theo số liệu từ Hội Nông dân của xã, 100% số hộ nuôi tôm đều chịu thiệt hại, trong đó gần 90% số hộ hầu như mất trắng, chỉ một phần nhỏ gỡ gạc lại được vốn đầu tư ban đầu. Tôm chết chủ yếu có hiện tượng bị bệnh đường ruột, gan tủy. Nguyên nhân gây nên tình trạng tôm chết theo người dân là do nguồn nước lấy từ sông Bến Hải vào hồ để nuôi tôm bị ô nhiễm. Anh Lê Văn Vinh, người nuôi tôm ở thôn Xuân Long cho biết: "Từ sự cố môi trường biển xảy ra cách đây chưa lâu thì chúng tôi nghi ngờ rằng nguồn nước ở sông Bến Hải cũng bị ô nhiễm. Bởi vì mọi yếu tố trong ao hồ như độ kiềm, độ PH đều đảm bảo, con giống đều được lấy từ các cơ sở có uy tín, chất lượng tốt thì nguyên nhân tôm bệnh rồi chết chỉ do nguồn nước". Cùng chung quan điểm như anh Vinh, anh Trần Trung Nam, thôn Xuân Mỵ, người đã có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi tôm phân trần: "Tôi nuôi tôm ngót hơn chục năm, chưa có năm nào tôm chết đầy hồ như năm nay, cứ thả tôm vào nuôi là chết. Mọi yếu tố trong hồ đều được đo đạc kỹ càng, chỉ có nguồn nước lấy vào là không có thiết bị để kiểm duyệt, từ sự cố môi trường biển đến giờ cứ hễ lấy nước từ sông Bến Hải vào là tôm lại chết". Gia đình anh Nam nuôi tôm với diện tích trên một ha, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Anh lo lắng: "Trước đây vào tháng sáu, tôm đã chết một lần rồi, tôi nghĩ phải đầu tư nuôi lại để gỡ gạc vốn. Thế nhưng đầu tư càng lớn thì tôm lại chết càng nhiều mà không hiểu lý do tại sao". Hiện tại, số tôm chết đã được bà con vớt lên, đưa đi tiêu hủy, nhưng vẫn còn một số lượng không vớt hết được vì vẫn còn tôm chết chìm dưới hồ. Nhiều người dân đã bắt đầu tháo nước ra khỏi hồ để làm sạch, khử trùng. Ở các hồ còn tôm sống thì tôm phát triển khá chậm. Trước đây, tôm phát triển bình thường sau ba tháng có thể xuất bán với 1 kg khoảng 50 - 60 con, bây giờ số tôm phải tăng lên gấp 3 lần, từ 150 - 160 con mới được 1 kg, dẫn đến tình trạng nhiều người ngán ngẩm, không còn thiết tha chăm sóc. Ông Bùi Ngọc Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hải cho biết: "Ngay khi nhận được thông tin tôm chết hàng loạt từ các hộ nuôi tôm, UBND xã cũng đã gửi báo cáo lên các cơ quan chức năng để kịp thời vào cuộc, kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể và tìm hướng khắc phục ổn định cuộc sống cho các hộ nuôi tôm. Trước mắt sẽ có chính sách hỗ trợ để động viện các hộ tiếp tục sản xuất đồng thời phối hợp với các cấp, ngành kiểm tra nguồn nước từ sông Bến Hải để xác định đúng nguyên nhân và tìm cách xử lý".
Người dân nuôi tôm bắt đầu tháo nước, làm sạch hồ nuôi. |
Phi Nông-Đăng Liệu
Ngày 21-9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có kết quả quan trắc môi trường hồ chứa Phước Hà (thôn Linh Cang, xã Bình Phú, H. Thăng Bình, Quảng Nam) để tìm nguyên nhân 3 hộ dân thôn Phước Hà nuôi cá ở hồ bị chết trắng hồ (Báo Công an TP Đà Nẵng đã có bài viết). Trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường, Sở TT&MT tỉnh nhận định nguyên nhân cá chết ở hồ Phước Hà là do mực nước hồ xuống thấp (do tưới tiêu, bốc hơi), trong khi lượng động thực vật trong hồ vẫn duy trì với mật độ lớn làm suy giảm lượng oxy hòa tan trong hồ. Ngoài ra, tại thời điểm quan trắc vào lúc 15 giờ 00, mức oxy hòa tan chỉ còn lại 4,2 - 4,8 mg/l, thấp hơn nhiều so với quy định là 6,0 mg/l. Điều này phù hợp với thông tin cá trong hồ Phước Hà chết chủ yếu vào ban đêm và tấp vào bờ vào ban ngày. Do đó về nguyên nhân cá chết là do lượng oxy hòa tan trong hồ bị suy giảm vào ban đêm. Các nguyên nhân gây cá chết do độc tố hay chất ô nhiễm trong nước hồ, trầm tích qua kết quả phân tích mẫu thì nhận thấy không có liên quan. Phi Nông |