Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Trị nỗ lực khắc phục khó khăn cho năm học mới

Thứ năm, 25/08/2022 14:57
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương chia sẻ về thông tin thiếu giáo viên tại một hội nghị do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức.

Còn đó những nỗi lo

Chưa đến ngày tựu trường nhưng thầy cô vùng cao đã “cắm bản” miệt mài cả tháng nay. Vượt suối, băng đồi, thầy cô đến từng nhà để nắm tình hình khó khăn, động viên học trò. Nổi lên là lo lắng về mua sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (sau đây gọi tắt CTGDPT mới), nhất là với hoàn cảnh đông con. Như anh Hồ Văn KTay, xã Ba Nang, H.Đakrông, nhà có 4 đứa con đi học, trong đó có cháu phải mua mới SGK CTGDPT mới, không thể tận dụng SGK cũ. Vì điều kiện gia đình quá ngặt, anh KTay đành nhờ thầy cô mua giúp trước để con có thể yên tâm đến trường, dù biết thầy cô cũng khó khăn. Trên rẻo cao hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, rất nhiều hộ gia đình như anh KTay đang đau đáu với những nỗi niềm. Được biết, năm học 2021-2022, trường hợp từ 15 - 18 tuổi không vào học tại các trường THPT, GDTX, nghỉ học ở vùng cao tại Quảng Trị vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, tại H.Đakrông, số HS bỏ học không vào học THPT, GDTX có 1.609/5.289 em, chiếm tỷ lệ 30,42%; H.Hướng Hóa có 1.792/5.289, chiếm tỷ lệ 33,88%.

Trong khi đó, lãnh đạo ngành giáo dục cũng đầy trăn trở về thiếu nhân lực, cơ sở vật chất. TS Lê Thị Hương- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, tình trạng thiếu cơ sở vật chất và thiếu giáo viên (GV) đã ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho HS. Tính đến tháng 7-2022, số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh Quảng Trị mới đạt tỷ lệ hơn 47%. Năm học vừa rồi, cơ sở hạ tầng CNTT ở nhiều trường học chưa đáp ứng, không đồng bộ để triển khai dạy học trực tuyến qua internet; đa số HS và GV vùng sâu, vùng xa và một bộ phận HS, GV ở vùng thuận lợi thiếu thiết bị dạy học qua mạng.

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp ở cấp Tiểu học (TH, toàn tỉnh mới đạt 1,4 GV/lớp) và một số trường cấp TH chưa có GV môn Tin học và tiếng Anh, nên việc triển khai CTGDPT mới gặp nhiều khó khăn. Cũng theo Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Quảng Trị, tình trạng thiếu GV diễn ra ở các cấp học. Trong đó, cấp TH thiếu nhiều nhất, đặc biệt ở 2 môn Tin học và Tiếng Anh. Cụ thể, năm học 2021 - 2022, có 115/149 trường học trên địa bàn có dạy môn Tin học và có 44 trường không có GV Tin học. Nhiều trường học chưa có phòng máy tính hoặc có nhưng không đáp ứng đủ số lượng và điều kiện để tổ chức dạy học.Còn với môn Tiếng Anh, có 7 trường TH chưa có GV, trong đó ở H.Vĩnh Linh có 3 trường, Hướng Hóa có 4 trường.

Trường TH thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị) chào đón HS lớp một tựu trường năm học mới 2022-2023. (nguồn: Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị).

Khắc phục khó khăn, tất cả vì học sinh thân yêu

Đối diện những khó khăn đang gặp phải, ngành GD – ĐT Quảng Trị càng nêu cao quyết tâm vì HS thân yêu trong năm học mới. Với chủ đề “Đoàn kết - Nỗ lực vượt khó khăn- Đổi mới sáng tạo- Củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT”, ngành GD-ĐT Quảng Trị đề ra phương hướng cụ thể cùng nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tháo gỡ khó khăn. Theo đó, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 643 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo (STK) trong các cơ sở GDPT nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc HS, gia đình HS mua STK, sách bài tập.

Chỉ đạo các trường học bố trí nguồn kinh phí hợp lý và huy động các nguồn hỗ trợ để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho HS mượn SGK để học tập; vận động HS quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để HS các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng. Phối hợp với ngành Nội vụ có giải pháp kịp thời, phù hợp để tuyển dụng, bố trí đủ GV dạy môn tiếng Anh và Tin học theo CTGDPT mới từ lớp 3; sắp xếp, bố trí GV khối THPT từng bước đáp ứng nguyện vọng lựa chọn môn học tự chọn của HS theo Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10 theo hướng dạy học phân hóa.

Một trong 15 nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT Quảng Trị trong năm 2022-2023 là phối hợp với Sở Nội vụ trình Bộ Nội vụ, HĐND tỉnh về đề án cho phép thực hiện giao chỉ tiêu hợp đồng lao động GV trong các trường công lập đối với chỉ tiêu giao còn thiếu so với định mức chưa được Trung ương giao bổ sung, theo hướng nguồn ngân sách địa phương chi trả cho GV hợp đồng tại các vùng nông thôn có điều kiện KT-XH khó khăn, nguồn xã hội hóa chi trả cho GV hợp đồng tại các vùng đô thị có điều kiện xã hội hóa.

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và các lớp tiếp theo. Chỉ đạo các phòng GDĐT tham mưu với UBND huyện, thị xã, TP có giải pháp để bổ sung đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện CTGDPT mới và SGK lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6 và lớp 7; chuẩn bị đội ngũ thực hiện chương trình đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11… Tiếp tục triển khai hiệu quả đề án xây dựng nhà ở tập thể công vụ cho GV ở các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu trong năm học 2022 – 2023 xây dựng được 176 phòng ở tập thể công vụ cho GV ở các vùng khó khăn với nguồn vốn hơn 26 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị Triển khai năm học mới 2022-2023 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhấn mạnh vấn đề thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục; rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên trường học đảm bảo hợp lý, khoa học, đặc biệt bố trí đủ GV Tiểu học dạy 2 buổi/ngày theo CTGDPT mới. Phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương để luân chuyển GV, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ; bố trí đủ GV giảng dạy môn tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3 theo CTGDPT mới. Trước mắt, chuẩn bị đầy đủ về phòng học để thực hiện chương trình, SGK mới ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 theo CTGDPT mới…

Bảo Hà