Quảng Trị phát triển vùng sản xuất chanh leo phục vụ xuất khẩu
Mặc dù, là một loại cây nông nghiệp mới được triển khai trong những năm gần đây tại Quảng Trị, thế nhưng cây chanh leo đã khẳng định chỗ đứng mới của mình trên bản đồ sản xuất các loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao trên địa bàn.
Chanh leo là một loại nông sản có giá trị hàng hóa cao. |
Là một loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của địa phương nên các giống cây chanh leo được trồng phát triển tốt, năng suất và chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính tại một số nước châu Âu. Đặc biệt, thông qua việc phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai dự án liên kết phát triển vùng sản xuất chanh leo phục vụ xuất khẩu từ năm 2018, đến nay tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng hơn 100 ha chanh leo tại các địa phương: Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh… Trung bình mỗi năm, cây chanh leo cho thu hoạch 2 vụ, năng suất 17- 20 tấn/ha. Đặc biệt, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 3 năm người dân mới phải trồng lại gốc chanh mới. Hiện nay, cây chanh leo khẳng định hiệu quả kinh tế cao khi đạt doanh thu từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu nhập trên 150-180 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, để cây chanh leo phát triển bền vững trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đang triển khai nghiên cứu, tuyển chọn những bộ giống chanh leo mới có khả năng thích nghi, chống chọi sâu bệnh tốt nhất để người dân trồng trên địa bàn. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường tuyên truyền tới người nông dân thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp ký kết tránh tình trạng bán hàng ra thị trường khi giá cao phá bỏ cam kết. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hướng dẫn người dân chuyển đổi các diện tích cây trồng không có hiệu quả kinh tế cao có điều kiện phù hợp chuyển sang trồng cây chanh leo.
Là một loại cây nông nghiệp mới được triển khai trên các vùng gò đồi của tỉnh Quảng Trị, thế nhưng với hiệu quả kinh tế mang lại đã mở ra một triển vọng mới về việc nhân rộng, phát triển cây chanh leo. Có mặt tại vườn chanh leo đang kỳ thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Đăng Hường, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, nhìn những trái chanh leo căng tròn, mọng nước đã chứng minh quyết định đúng khi chuyển đổi diện tích cây trồng trước đó sang trồng cây chanh leo của ông. Ông Hường chia sẻ, ngày trước gia đình ông trồng cao su nhưng điều kiện khí hậu khắc nghiệt mưa bão gây gãy đổ nhiều cùng với đó là giá cả xuống thấp khiến gia đình không đủ chi phí để chăm sóc và duy trì loại cây này. Thấy bà con trong xã chuyển đổi sang trồng cây chanh leo hiệu quả nên ông cũng bắt đầu chuyển sang trồng cây chanh leo từ năm 2020. "Quá trình trồng tôi nhận thấy đây là loại cây phù hợp với đất đai và khí hậu của vùng này, cây đẻ nhánh, ra hoa, đậu quả phát triển rất tốt, tỷ lệ trái đạt loại 1 nhiều. Đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đặc biệt là đầu ra được thu mua hợp lý, điều đó khiến bà con chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi", ông Hường nói.
Xã Vĩnh Thủy bắt đầu trồng cây chanh leo từ tháng 8-2019 với 7 hộ gia đình tham gia đến nay đã có 15 hộ tham gia với tổng diện tích trên 10 ha. Để đảm bảo đầu ra cho quả chanh leo ổn định, địa phương cũng đã tăng cường hợp tác liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thu mua cho bà con. Trên địa bàn đã có xưởng sơ chế của Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Linh thu mua và xử lý ban đầu. Bà Lê Thị Thu Hạnh, Chủ tịch xã Vĩnh Thủy cho biết, chanh leo của xã năm nay vừa được mùa lẫn được giá cao hơn bình quân so với các năm từ 5.000-6.000 đồng/kg. Bình quân loại 1 từ 35.000-38.000 đồng/kg, loại 2 giá bình quân 15.000-17.000 đồng/kg… Đối với chanh leo loại 1, 2 được thu mua nguyên trái, các loại còn lại được sơ chế đông lạnh rồi chuyển ra bán tại nhà máy. Tại địa bàn, cây chanh leo đã thực sự góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. "Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân chuyển đổi các diện tích cây hiệu quả thấp sang trồng cây chanh leo, cũng như phối hợp với các đơn vị ban ngành có liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ cho bà con", bà Lê Thị Thu Hạnh cho biết.
T.THỦY