Quảng Trị: Xuất khẩu lao động thu về hàng nghìn tỷ đồng
Quảng Trị đang trở thành địa phương có số người xuất khẩu lao động (XKLĐ) đông đảo, đem lại nguồn lợi lớn cho cộng đồng, cũng như mở ra hướng đi mới cho hàng nghìn thanh niên.
Đại diện Cty TNHH MTV VINC (Quảng Trị) đưa tiễn học viên đi du học và xuất khẩu lao động Hàn Quốc. |
Hơn 1.100 tỷ đồng mỗi năm
Ông Lê Văn Trắc, Trưởng phòng Lao động - Việc làm và An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện địa bàn có khoảng từ 5.500 đến 6.000 lao động làm việc tại nước ngoài, tập trung chính ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2015 chỉ 551 người, đến năm 2016 tăng lên 747 người. Sang năm 2017, con số này là 1.474, năm 2018 ghi nhận 1.818 trường hợp. Và tính riêng 6 tháng đầu năm là 1.065 người. 2 địa phương có người đi XKLĐ nhiều nhất là huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Ước tính mỗi tháng một người XKLĐ gửi về cho người thân khoảng 20 triệu đồng. Con số này tính chung cả năm lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Cty TNHH MTV VINC (15 – Nguyễn Trãi, TP Đông Hà), một trong những đơn vị liên kết đưa người đi du học và xuất khẩu lao động tại Quảng Trị, hiện nay, nhu cầu thu hút lao động tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia... tương đối lớn. Trong khi đó, nguồn lao động tại Quảng Trị khá dồi dào, có khả năng đáp ứng tốt cho các thị trường.
Bà Hằng cho biết, vào tháng 5 vừa qua, theo đề nghị từ phía Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH thông báo chính thức chương trình tuyển chọn lao động EPS năm 2019 sẽ tạm dừng tiếp nhận người lao động tại 40 quận/huyện, trong tổng số 100 quận/ huyện thuộc diện xem xét dừng tuyển chọn lao động thuộc 11 tỉnh, thành phố. Trong số 40 quận, huyện bị “cấm chỉ” thì tỉnh Quảng Trị hoàn toàn không có huyện nào bị cấm tham gia EPS. Điều này cho thấy uy tín của người lao động Quảng Trị riêng tại thị trường Hàn Quốc cũng như các thị trường khác, đặc biệt là các nước phát triển.
Phải xác định rõ tương lai
Cùng với sự phát triển của thị trường, rất nhiều doanh nghiệp tham gia tư vấn du học, XKLĐ. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn có 17 doanh nghiệp phái cử đang hoạt động tư vấn tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Họ chính là cầu nối không thể thiếu giữa: Thị trường - cơ quan quản lý - người lao động. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn uy tín thì cũng đã xuất hiện tình trạng “cò”, chủ yếu dựa vào quan hệ quen biết, từ đó dẫn dụ người lao động với những hứa hẹn không thực tế, khiến nhiều người “tiền mất tật mang”. Chính vì thế, cơ quan chức năng luôn khuyến cáo đến người dân, chính quyền địa phương cảnh giác với những giới thiệu, quảng cáo như bao trọn gói, bao đỗ... không có cơ sở.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, khá nhiều người đăng ký du học, XKLĐ đã phải “ôm hận” vì trót nghe lời đường mật của các doanh nghiệp vô trách nhiệm. Cái giá phải trả không chỉ là “tiền mất tật mang” mà còn cả những tháng năm quý giá của tuổi trẻ, bỏ lỡ biết bao cơ hội vào đời, đổi thay cuộc sống. Du học hoặc XKLĐ là quyết định rất quan trọng của cả đời người. Do đó, nếu thực sự tham gia, người lao động hết sức cảnh giác và kiểm chứng hết sức rõ ràng.
Từ thực tế hoạt động, bà Hằng cho rằng, trước khi quyết định đi du học hoặc XKLĐ, cần chú ý một vài điểm. Trước hết, người lao động phải đến trụ sở Cty tư vấn, xem công ty đó tồn tại thực tế hay chỉ là hoạt động “ảo” ở trên mạng. Nếu không tìm thấy trụ sở Cty, 100% là “có vấn đề”. Tiếp đó, người lao động phải kiểm tra rõ đơn hàng, điều kiện cụ thể của nơi tiếp nhận (không bao giờ có chuyện đi XKLĐ chung chung, mà luôn luôn phải theo một đơn hàng cụ thể, với mức lương, đãi ngộ, điều kiện lao động... hết sức rõ ràng). Bên cạnh đó, người lao động cũng phải xác định rõ năng lực bản thân, xem mình có đủ điều kiện sức khỏe, trình độ và khả năng tài chính để tham gia du học, XKLĐ hay không. Đây là điều rất quan trọng, vì điều kiện làm việc ở nước ngoài rất khác ở Việt Nam, nếu không tự nhận thức bản thân ngay từ đầu, thì rất dễ vấp phải sai lầm.
Cũng theo bà Hằng, có một vấn đề rất quan trọng nhưng hầu như người lao động không thực sự nhận thức đúng đắn. Đó là, phải xác định rõ mình muốn gì trong tương lai. Người lao động, du học sinh rõ ràng là khó có cơ hội học tập, làm ăn, sinh sống hẳn ở nước ngoài, trừ một vài trường hợp cá biệt được tuyển trạch vào vị trí quản lý, điều hành Cty ở nước ngoài hoặc kết hôn với người bản xứ. Do đó, họ cần phải xác định ra đi là để kiếm tiền, kiếm kỹ năng, kiếm cơ hội, và để trở về phát triển sự nghiệp ở quê hương. Do đó, trước khi ra đi, phải vạch sẵn kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho bản thân mình.
BẢO HÀ