Báo Công An Đà Nẵng

Quay cuồng trong vòng xoáy “tín dụng đen” (Bài 1: Quay cuồng với vay lãi, vay góp)

Thứ hai, 06/04/2020 15:03

“Tín dụng đen”, vấn nạn đang diễn ra khắp nơi trên cả nước kéo theo hàng loạt hệ lụy. Sau lưng hoạt động “tín dụng đen” là các nhóm tội phạm chuyên đòi nợ thuê, xiết nợ, thậm chí “xử nhau” theo kiểu “xã hội đen”. Báo Công an TP Đà Nẵng thực hiện loạt phóng sự này hầu chuyển đến bạn đọc những câu chuyện, góc nhìn thật nhất phóng viên đã ghi lại được...

Bà H. và ông Q., một trong số những người đang lao đao do bước vào vòng xoáy vay nóng.

Vay phải trả, nợ phải đòi, đó là chuyện tất lẽ ở đời. Nhưng rơi vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, người vay nợ đành cắn răng bước vào “bến mê” vay nóng, vay góp. Hệ quả từ những mức lãi suất vượt trần ngất ngưởng, không ít người phải đối mặt với hệ lụy: Bị đe dọa mạng sống, xiết nợ, hủy hoại tài sản. Nếu lỡ sa vào vòng xoáy vay nóng, người vay có thể chịu mức lãi suất lên đến 10-30%, thậm chí cao hơn.

Người viết từng biết vợ chồng bà  H., ông D. khoảng thời gian 2017 trở về trước được cánh tiểu thương chợ Đà Nẵng biết đến như một đại gia ngành vải, mỗi tháng kiếm lời cả trăm triệu đồng. Nhưng sau lần đánh cược số phận cho giấc mơ thành tỷ phú, nay họ đang đứng trước bờ vực phá sản. Giữa năm 2018, thấy thị trường bất động sản còn ở mức sôi động, hai vợ chồng gom hết số tiền 5 tỷ đồng có được từ kinh doanh cả gần chục năm trời cùng với 4 tỷ đồng tiền vay ngoài lãi suất 5%/tháng đầu tư vào 3 lô đất dự án.

Sau gần một năm chờ đợi, giá đất rớt thê thảm, mỗi lô cả hơn tỷ đồng, khiến hai vợ chồng ăn không ngon, ngủ không yên. Nóng mặt với canh bạc đen đủi, cộng thêm lãi vay mỗi tháng hơn 200 triệu đồng, tháng 8-2019, hai vợ chồng đành bán tháo 3 lô đất chạy nợ, nhưng tiền của dành dụm bấy lâu đã chôn theo đất, thậm chí tiền vay nợ còn cả gần tỷ đồng. Quyết định làm lại từ đầu, hai người buộc thế vay lãi nóng, mức lãi suất 10%/15 ngày. Mấy tháng qua, cứ mỗi lần vay 200 triệu đồng lấy hàng thì 15 ngày sau phải trả lãi 20 triệu đồng. Có thời điểm chưa có mối lấy hàng, mỗi tháng còng lưng trả lãi 40-50 triệu đồng.

Không chỉ người “làm ăn lớn” như vợ chồng bà H., ông D., cánh làm ăn buôn bán nhỏ bị cuốn theo vòng xoáy vay nóng nhiều vô số. Người bán hàng rau hành, trái cây có, quần áo, tôm cá cũng nhiều. Chị Tr., một tiểu thương bán rau củ quả, kể lại: Do không có vốn làm ăn, mỗi ngày chị bốc tiền của người cho vay 1 triệu đồng lấy hàng, đến sáng hôm sau phải trả 5% tiền lãi, tức 1.050.000 đồng. Trường hợp nếu vay 15 ngày sau mới trả thì phải chịu mức lãi 15%, tức 1.150.000 đồng. Với người lao động bán rau, biết là lãi cao, nhưng không có vốn đành phải chấp nhận.

Giấy mượn tiền nóng của người vay với một số đối tượng cho vay.

Tại một số chợ Đà Nẵng, theo tìm hiểu của chúng tôi, có không ít người kiếm lãi vay nóng dễ như trở bàn tay từ tiền nhàn rỗi của mình. Hoặc là, cho vay tiền từ nửa tháng đến một tháng rồi thu hồi gốc và lãi. Có người kiếm lời theo kiểu "buôn gió" kiếm lãi ngày. Cánh tiểu thương chợ kể rằng, với cách làm ăn này, buổi chiều mỗi ngày họ mang dăm chỉ vàng bán rồi cho hàng chục tiểu thương buôn bán nhỏ vay, đến giữa chiều hôm sau gom gốc và lời về, lại đi mua vàng, ngày mai bán tiếp, cho vay tiếp. Nghe tưởng nhỏ, nhưng với khoảng 20 triệu đồng, mỗi ngày người cho vay thu về 700-800.000 đồng, thậm chí tiền triệu từ lãi. Những năm gần đây, không để rủi ro lớn do tiểu thương bước vào vòng xoáy vay nóng, Cty quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhiều nguồn quỹ khác nhau tạo điều kiện cho tiểu thương, nhất là tiểu thương nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi, nhưng thực trạng vẫn còn.

Cùng với vay nóng lãi suất ngày, nửa tháng, câu chuyện vay góp cũng đang là vấn nạn rất khó kiểm soát và xử lý, bởi hầu hết những người cho vay và người vay đều chỉ thỏa thuận lãi suất bằng miệng. Chị Q., một người thường xuyên cho vay góp tiết lộ với chúng tôi: Người làm cùng nghề cho vay góp như chị, chị biết cả vài chục. Mỗi người chỉ cần trong tay có 200 triệu đồng, nhưng mỗi tháng thu về 15-20 triệu đồng lãi ngon ơ. Thông thường, họ cho mỗi người vay 10 triệu đồng/tháng, nhưng thu lãi 10% (tức) 1 triệu đồng ngay khi bung tiền. Đúng đến tháng, thu về tròn 10 triệu đồng rồi lại thỏa thuận cho vay lại. Theo lời chị Q., trong số 200 triệu đồng cho 20 người vay, họ lấy 20 triệu đồng lãi cho thêm 2 người khác vay. Cứ như thế, xoay vòng cả năm xem như tiền lãi tăng bội lần, vì càng cho nhiều người vay càng có nhiều lời.

Tiểu thương vay nóng, vay góp là chuyện thường ngày ở chợ. Nhìn cách vay góp của những dân chơi sành điệu, “bóng hồng” tuổi xuân em gửi nhà hàng, quán bar mới ớn sống lưng. Chuyện của Y. – cô gái chuyên tiếp khách nhà hàng, múa cột trong bar khiến người ta lắc đầu ngao ngán. Bước vào nghề gần 5 năm, Y. ngủ ngày, “cày” đêm kiếm 2-3 triệu đồng mỗi ngày là thường. Xong vì muốn tậu 1 chiếc xe mô tô hạng sang, Y. chấp nhận vay cả 100 triệu đồng, mỗi tháng trả 20 triệu đồng lãi. Thấy trả nợ hàng tháng vẫn xông xênh, và chứng tỏ mình là “đào” chịu chơi, Y. tiếp tục vay góp tiền trăm triệu sắm điện thoại, quần áo hàng hiệu nên mỗi tháng trả hàng chục triệu đồng lãi cắt cổ, đành chấp nhận cày cuốc, chiều “thượng đế” xuyên đêm trong những cuộc mua vui đốt tiền. Với những gì chúng tôi biết được trong chuyến thực tế mới đây, phần đa cánh "bóng hồng" đều dính đến vay nóng, vay góp, phần mua sắm, chăm chút cuộc sống bản thân, chút ít gửi gắm gia đình, xem như “báo hiếu” theo cách nói của họ với bậc ông bà, bố mẹ ở quê rằng: Đang sống ổn định, có thu nhập ở những “tập đoàn, Cty” có tiếng…

Phóng sự: CÔNG HẠNH

Bài 2: Tụt huyết áp vì vay nhanh qua App