Báo Công An Đà Nẵng

Quay cuồng trong vòng xoáy “tín dụng đen” (Bài 2: Tụt huyết áp vì vay nhanh qua App)

Thứ ba, 07/04/2020 11:22

Rất dễ nhìn thấy cảnh người dùng mạng xã hội bị bủa vây bởi những quảng cáo ngọt lịm từ lời mời gọi vay tiền qua App. Chỉ cần tải ứng dụng trên mạng Internet về điện thoại, người vay tiền cung cấp ảnh, CMND hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu cùng số tài khoản ngân hàng của mình sẽ hoàn tất hồ sơ vay, được “ưu ái” nhận tiền nhanh từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng chỉ sau vài phút. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù dịch vụ vay tiền nhanh qua App quảng cáo lãi suất chỉ dao động ở mức khoảng 15-16%/năm, tuy nhiên chỉ là chiêu lừa, bởi với nhiều loại phí vô căn cứ, người vay tiền có thể phải trả lãi suất tới cả ngàn %/năm.

Bẫy vay App giăng đầy khắp mạng khiến nhiều nạn nhân dính chưởng.

Tr., một sinh viên kể: Cuối tháng 7-2019, cậu tình cờ nhận được tin nhắn cho vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại với lời giới thiệu hấp dẫn: Chỉ cần chuyển bản chụp giấy CMND, số tài khoản là nhận tiền nhanh, lãi suất thấp. Thấy dễ vay, cộng thêm đang bí tiền trả nợ, Tr. đồng ý vay 5 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng. Vừa hoàn thành thủ tục, tiền được chuyển ngay vào tài khoản của Tr., tuy nhiên số tiền bên cho vay giải ngân vào tài khoản của Tr. chỉ hơn 3 triệu đồng. Thắc mắc với bên cho vay, Tr. nhận được câu trả lời là trừ tiền lãi 1 tháng và các khoản phí hồ sơ, thủ tục. Một tháng sau, do chưa có tiền trả nên Tr. bị “nhân viên tín dụng” gọi điện truy đòi và gợi ý Tr. vay thêm tiền từ App khác để trả nợ. Cứ thế, tính đến đầu năm 2020, Tr. bị đưa vào “tròng” rất nhiều lần với số tiền nợ gốc và “lãi” lên đến 70 triệu đồng, dù trước đó Tr. đã trả được 40 triệu đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Lê Ái V. (18 tuổi, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) cần tiền đóng học phí và mua sắm nên vào một ứng dụng vay tiền. Tuy vay 1 triệu đồng trong 7 ngày, nhưng thực tế chị chỉ nhận được 700.000 đồng với lý do bị trừ phí thủ tục và lãi suất. Sau 1 tuần, chị chưa trả kịp thì các nhân viên rất nhiệt tình tư vấn chị tải thêm các ứng dụng khác để vay thêm, trả khoản vay trước. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, từ 1 triệu đồng vay tiền qua mạng, số nợ đã lên đến 9 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Đồng thời chị bị nhiều người gọi điện đe dọa khủng bố đòi nợ nên buộc lòng phải trình báo CA.

Mới đây, Văn phòng Bộ CA đã thông tin, vay tiền qua App đã để lại nhiều hệ lụy rất tàn khốc! Thời gian qua, cơ quan CSĐT các cấp đã triệt phá nhiều vụ án, chuyên án lớn. Điển hình nhất phải kể đến chuyên án triệt phá một nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi thông qua App thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với cách thức thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật Cty rồi tạo ra ứng dụng App cho vay tiền trực tuyến như Vaytocdo, Moreloan, VD online, cơ quan điều tra xác định, chúng đã thu về lãi suất lên đến 1.600%/năm. Chỉ trong 8 tháng hoạt động, nhóm đối tượng đã cho vay 100 tỷ đồng qua 3 ứng dụng với khoảng 60.000 giao dịch. Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động.

Tang chứng liên quan đến vụ cho vay nóng bị CATP Đà Nẵng bắt giữ.

Văn phòng Bộ CA cũng đã cảnh báo về thủ đoạn của hình thức vay App này. Cụ thể, người vay tiền hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên App. Với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo”, lần đầu được vay 1.700.000 đồng, nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, còn Cty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó, 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu trả chậm, người vay sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày. Còn khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng, nhưng thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng, nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày.

Theo kết quả điều tra, với hình thức cho vay này, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm. Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ của Cty cho vay sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn, trường hợp chậm trả, nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người vay để đòi nợ. Nếu sau vài ngày, người vay vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại “khủng bố” người vay, thậm chí cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...

 “Thủ đoạn cho vay lãi nặng mới này đang xuất hiện nhiều và có diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (App, web) trên mạng Internet”, thông tin từ Văn phòng Bộ CA nêu rõ.

Phóng sự: CÔNG HẠNH

Bài 3: “Tín dụng đen” vây nông dân nghèo