Báo Công An Đà Nẵng

Quê hương nghĩa nặng tình thâm

Thứ tư, 09/10/2013 12:18

(Cadn.com.vn) - Buổi chào cờ đầu tuần thứ Hai ngày 7-10-2013, các trường tiểu học, trung học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên khắp cả nước đã dành những phút mặc niệm vị Đại tướng lỗi lạc của dân tộc. Nhìn những cháu bé đang tuổi trăng tròn, tuổi chỉ biết Đại tướng qua các bài giảng, trang sách sử... lén vén khăn quàng đỏ lau nước mắt, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc về sức lan tỏa diệu kỳ của cuộc đời, sự nghiệp, tên tuổi của Đại tướng.

Quảng Bình những ngày sau bão số 10, nhiều trường học vẫn chưa thể đón học sinh đến trường. Không có những phút mặc niệm, nhưng điều đó không có nghĩa là hình ảnh người anh hùng của dân tộc, người con ưu tú của quê hương không choán hết trái tim, khối óc người dân vùng bão. Những huyền thoại, những kỷ niệm, những kỷ vật về Đại tướng tựa ánh trăng bao trùm khắp các vùng quê, từ bếp lửa gia đình đến công sở, từ bề bộn ruộng đồng sau bão đến con đường dẫn công nhân vào nhà máy, từ bến sông quê đến những chuyến tàu vào ga...  Các em học sinh Trường THCS Lộc Thủy hầu như em nào cũng có bức chân dung Đại tướng trên tay. Trần Hoàng Minh Nghĩa, học sinh lớp 8A nghẹn ngào nói: "Chúng cháu rất tự hào được sinh ra và lớn lên tại làng An Xá, trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng là người anh hùng của dân tộc. Kính yêu Đại tướng, chúng cháu nghe lời thầy cô làm vệ sinh sạch sẽ đường làng ngõ xóm, dọn dẹp cây cành gãy đổ do bão, để mọi người đến viếng lễ tang khỏi buồn lòng...".

Có mặt tại Nhà lưu niệm Đại tướng từ rất sớm, ông Hoàng Văn Hoảnh, cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ, ở Đội 5, thôn An Xá nức nở: "Từ 6-10 đến nay, dù biết ngày 12, 13 đến, linh cữu của Đại tướng sẽ được đón về an táng tại quê nhà, nhưng mọi người vẫn không thể đợi,  rất nhiều người trong thôn đã lên xe đi Hà Nội để viếng Đại tướng. Có người nhà bị tốc mái, cả vườn cây gãy đổ trong bão số 10 vẫn chưa khắc phục xong, thậm chí không đủ tiền xe, thế mà vẫn vứt bỏ hết, ra thăm Đại tướng trong nước mắt...".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm làng An Xá năm 2004.

Bà Võ Thị Lài, tuổi đã gần 80, cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng bác ruột, nghẹn ngào khóc kể bên bàn thờ Đại tướng: "Mỗi lần về thăm quê, chưa thấy tui là khi mô bác cũng hỏi, rồi cầm tay tui hỏi thăm sức khỏe, nay còn mô nữa bác ơi...". Nhìn cô nức nở, ông Võ Đại Hàm, người cháu gọi Đại tướng bằng ông thổn thức: "Với Đại tướng, quê hương là tất cả. Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường bắt dừng xe ở xa cổng nhà rồi đi bộ vào thôn. Gặp ai Đại tướng cũng tay bắt mặt mừng, ôm hôn thắm thiết và căn dặn cảnh vệ không được ngăn cản bà con, dân làng đến thăm. Lần nào về quê, ít khi Đại tướng ở nhà khách mà về ở căn nhà gỗ của gia đình, rồi mời bạn đồng niên, bà con hàng xóm đến gặp mặt nói chuyện. Đại tướng có trí nhớ rất tốt, nhớ rõ gia cảnh từng người.

Đại tướng ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống từng người. Việc mà khi nào về thăm quê, Đại tướng cũng dành nhiều thời gian nói chuyện nhất với dân làng An Xá, là cách làm ăn để thoát nghèo, là nghề làm chiếu truyền thống, là đồng ruộng trũng sâu, là quê hương, đường làng hay bị chia cắt với các nơi trong mùa lũ...". Về nhà, người lo cơm nước cho Đại tướng là bà Trần Thị Vân (vợ ông Hàm). Nhắc đến vinh dự này, bà Vân khóc nấc: "Là con cháu trong nhà  nhưng lần đầu tiên nấu cơm cho ông ăn, tui run lắm, dù răng ông tôi cũng là một vị tướng. Như hiểu được điều đó, ông bảo "bình thường cháu nấu răng thì chừ nấu như rứa thôi".

Theo ông Hàm, Đại tướng không bao giờ ngồi ăn cơm riêng một mình mà bắt mọi người ngồi vào ăn chung như một gia đình. Khi ăn, Đại tướng hay kể những câu chuyện tếu để mọi người cùng vui. Đại tướng tỏ ra rất ngon miệng  khi dùng bữa dù đó là cá bống kho tộ, canh chua cá lóc, đĩa rau muống luộc, cà pháo muối... Tuy vậy, Đại tướng cũng thể hiện sự tôn trọng các bác sĩ đi theo. Mỗi khi ăn xong, Đại tướng muốn ăn thêm một cái bánh lọc, hay quả trứng lộn, ông thường hỏi ý kiến bác sĩ: "tớ ăn thêm cái bánh này nữa được không?" và ông chỉ ăn thêm khi có sự đồng ý của bác sĩ.

Theo ông Hàm, Đại tướng về thăm quê lần cuối cùng là năm 2004, lúc đó sức khỏe của Đại tướng đã không còn như trước nên tuân thủ ý kiến bác sĩ, Đại tướng không thể ở lại ngôi nhà của mình. Nhưng, ông vẫn gọi các cháu trong gia tộc hỏi thăm sức khỏe, việc đồng áng của từng gia đình, chỉ đến khi bác sĩ khuyên giữ gìn sức khỏe mới thôi.

Giữ trọng trách, bề bộn công việc, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn quan tâm
đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó Đại tướng đã dành niềm ưu ái
cho lực lượng Công an những địa phương ông đến thăm và làm việc.
Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm
với lãnh đạo và CBCS CA tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng năm 1989. Ảnh: Tư liệu.

 

Ông Hoàng Đại Hữu, nguyên giám đốc Nhà văn hóa H. Lệ Thủy, kể, Đại tướng rất thích nghe điệu hò khoan Lệ Thủy nên mỗi lần Đại tướng về thăm quê, các văn nghệ sĩ thường tổ chức các buổi văn nghệ quần chúng hát điệu hò khoan quê hương để đón tiếp. Bên cạnh điệu hò khoan, Đại tướng đặc biệt rất thích lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện thường được tổ chức vào ngày 2-9 hàng năm. Như năm 2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương trước ngày Tết Độc Lập đúng 10 ngày, nhân dân trong huyện quyết định tổ chức lễ hội đua thuyền sớm hơn so với mọi năm. Ngày lễ hội diễn ra, hàng vạn người đứng chật hai bên bờ sông Kiến Giang xem hội bơi, đón chào Đại tướng đứng trên canô chạy dọc sông, tay vẫy chào... Dưới sông thuyền đua dậy sóng thì trên bờ cũng dậy sóng bởi tiếng reo hò "Hoan hô Đại tướng! Hoan hô Đại tướng!".

Một lần về thăm quê, Đại tướng tâm sự "Ra đi trên dòng sông Kiến Giang, làm sao mà quên được cảnh sông, núi hiền từ và hùng vĩ. Quê hương và gia đình đã  hun đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi".

Chính tình yêu quê hương sâu đậm nghĩa tình đó mà hôm nay đi vào cõi vĩnh hằng Đại tướng vẫn nhắn nhủ đưa thân xác ông về với quê hương Quảng Bình. Như ông Bùi Hữu Đức,Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy, thành viên ban chỉ đạo lễ tang của tỉnh cảm nhận "Đại tướng muốn được ủ hơi ấm của quê hương, được vui cùng niềm vui được mùa với bà con nông dân, lo cùng cái lo của người miền quê chân lấm tay bùn này...".

Trần Vỹ Dạ