Quê hương qua tập thơ "Vạt nắng nghiêng chiều" của Yên Dạ Lữ
Về hưu, ông có dịp đi đến nhiều nơi với niềm khao khát ghi lại cái đẹp bằng vốn thi ca của mình. Tập thơ "Vạt nắng nghiêng chiều", NXB Hội Nhà văn 2025 đã ghi dấu những kỷ niệm sâu đậm của ông đối với làng quê dấu yêu và những chuyến rong ruổi cùng gia đình đến với miền đất lạ. Nhưng với độc giả, mảng thơ ông viết về quê hương khơi gợi sự rung cảm, đồng điệu nhiều hơn cả, bởi trong chúng ta ai mà không sinh ra và lớn lên từ nơi ấy…
Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết: "Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương/ thời thơ ấu không thể nào đánh đổi/ trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội/ có một miền quê trong đi đứng nói cười", quê hương có trong hình hài và in trong giọng nói dáng đi của ta như "con dấu chìm chạm trổ ở trong xương". Đối với thi sĩ Yên Dạ Lữ, miền quê Đại Lộc cũng hiện lên thân thương và bình dị, gắn bó với "bông gạo rơi đầy như sửng sốt một chiêm bao" cùng con sông Vu Gia "một dòng xuôi êm ả" và xanh mướt bên triền là những cồn bắp lao xao trong mỗi cơn gió về: "Bờ cát mịn nơi triền sông mát quá/ Chiếc thuyền nan tắm nắng lúc trưa hè/ Sông vẫn chảy một dòng xuôi êm ả/ Tre soi mình bóng nhuộm ánh vàng hoe" (Dòng sông thơ ấu). Những hình ảnh gần gũi, thân thiết ấy luôn hiện về trong ký ức của mỗi chúng ta, nhưng để chạm đến được trái tim người đọc thì phải được lọc qua cảm xúc của người làm thơ. Làng quê trong nỗi nhớ của Yên Dạ Lữ không thể tách rời với hình ảnh tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch: "Rồi xa lắc vọng về tiếng chim vàng nghệ/ Trốn ngủ cùng nhau mang ná đi tìm/ Những khóm mít đầy màu trong nắng xế/ Quấn cà chua - lá tỏi ngọt môi mềm" (Dòng sông thơ ấu). Tuổi thơ nông thôn với những trưa trốn ngủ túm tụm lại đẽo gọt gọng ná, leo cây bắt tổ chim dồng dộc, hái khóm mít, "quấn cà chua - lá tỏi ngọt môi mềm" luôn quay trở lại trong hoài niệm của mỗi người xa quê như một cuốn phim quay chậm; tưởng chừng cái vị ngọt ngào nhưng cũng đầy chua chát của một thời thiếu thốn gian lao vẫn còn phảng phất đâu đây. Quê hương còn là nỗi niềm ấu thơ trong trái tim của người cháu đi xa, tìm về thăm nhà ngoại giữa tiết đông hàn: "Có phải là sương trắng quê ngoại không/ Đường cày tít tắp gọi thinh không/ Hoàng hôn nhạt nắng màu nâu thẫm/ Cay mắt từ xa khói đốt đồng" (Một vùng sương trắng). Sương trắng miền quê hay sương trắng phủ lên mái đầu của ngoại ta, mẹ ta một thời sờn vai gánh rơm rạ "Gợi một thời xa những nỗi lòng". Những câu thơ đầy xúc cảm, đậm chất dân dã với hình ảnh vừa gợi thời gian, vừa gợi không gian, đăm đắm một niềm nhớ nhung luyến tiếc.
Trong ký ức mỗi người về quê hương, không thể thiếu hình ảnh cha mẹ - những đấng sinh thành đã vất vả sớm hôm nuôi lớn hình hài và chở che tâm hồn của chúng ta. Đó là người cha khắc khổ, một đời tần tảo vì "gà trống nuôi con": "Nước mắt chảy xuôi của người đàn ông/Cứ lặn vào trong thành dòng bất tận" (Chở che-che chở). Hình ảnh người đàn ông vừa làm cha vừa làm mẹ, sớm hôm còng lưng vì gánh nặng áo cơm "nặng oằn vai - đôi gánh líu chân về" (Bài thơ viết tặng cha tôi) hiện lên trong thao thức của người con đi xa, thật sự đã chạm đến trái tim người đọc bởi sự chân thành giản dị; bởi đâu chỉ "Thi khả giải, bất khả giải, bất tất giải" (Tạ Trăn) mới là thơ. Viết về cha, thi sĩ Yên Dạ Lữ có cái nhìn đầy cảm thông thấu hiểu lẫn yêu kính; thì viết về người mẹ, trong ông là nỗi nuối tiếc đến sững sờ. Thi ảnh "lá trầu vàng" lặp đi lặp lại trong thơ ông đã bộc lộ hết nỗi trống vắng càng lúc càng dày đậm trong trái tim đứa con mồ côi mẹ sớm: "Ngồi đây hiên nhạt nắng/ rụng rơi lá trầu vàng/ Mẹ tôi không còn nữa/ bên hè xưa hè xưa/ Cau tươi với trầu vàng/ môi ăn viền cắn chỉ/ Nhớ rau bầu rau bí/ nồi cơm gạo mới thơm" (Chiếc lá trầu vàng); "Chiếc lá trầu vàng/Rụng ngoài hiên vàng nắng thu tơ lụa/Con nhặt trên tay/Nỗi nhớ vô vàn" (Hoài bão lá trầu vàng). Người mẹ nông thôn "môi cắn chỉ quết trầu" hiện lên trong thơ Yên Dạ Lữ thực đến nao lòng; mẹ đã đi thật xa, thật lâu đã hóa thành chân trời thăm thẳm; biết bao ngày tháng trôi qua nhưng trong con nỗi hụt hẫng, chơ vơ vẫn còn in đậm mãi: "Chỉ khi không còn mẹ/Mới hiểu được tấm lòng/mẹ mênh mông tựa bể/Hiểu trường đời đục trong" (Chỉ khi không còn mẹ). Có thể trong cuộc đời mỗi người, hạnh phúc ẩn trong những điều bình dị mà thường ngày ta mải mê với những tất bật mà bỏ quên; đến lúc đánh mất mới thảng thốt, giật mình ân hận. Đâu chỉ riêng Yên Dạ Lữ mà có biết bao người, thậm chí đến lúc làm cha, làm mẹ mới biết yêu kính, hiếu thảo với đấng sinh thành.
Với tấm chân tình với quê hương xứ sở, qua tập "Vạt nắng nghiêng chiều", Yên Dạ Lữ đã nối nhịp cầu thơ để thắp lên trong lòng bao người tình yêu và niềm gắn bó máu thịt với quê hương nguồn cội. Thơ ông chân thành, đằm thắm với những thi ảnh quen thuộc, dung dị; giọng thơ nhẹ nhàng, nhịp điệu êm dịu như nhịp chảy hiền hòa của con sông quê hương những buổi trưa hè trong ký ức của người thơ. Bên cạnh những vần thơ thành công khi viết về làng quê; thơ ông vẫn còn đôi ý đôi câu chưa thật chín, đôi khi rơi vào dạng viết nhật ký trong những chuyến du ngoạn gần xa.
Mặc dù, Yên Dạ Lữ có đề cập đến nhiều đề tài khác trong thơ mình, song với tôi quê hương xứ sở vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong những vần thơ của ông sau này và mãi về sau.
Nguyễn Thị Thu Thủy