Báo Công An Đà Nẵng

Quê tôi ngày khởi nghĩa...

Thứ năm, 31/08/2017 11:40

Trước Cách mạng tháng Tám, Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) quê tôi nghèo lắm. Đất đai toàn là cát trắng. Người dân chỉ trong ngày tết hoặc giỗ mới có chén cơm gạo lúa đỏ không độn khoai, sắn. Nhiều nhà con mới đẻ cũng phải nhai khoai cho cháu bé ăn. Đã thế, chính quyền thực dân phong kiến bắt dân đóng đủ loại sưu thuế. Đàn ông đến tuổi lao động phải lãnh căn cước bài chỉ - đóng mỗi năm ba đồng sáu giác thuế thân (tương đương với 40 kg dầu phụng hoặc một con heo trên 40 kg). Một số đàn ông bỏ gia đình, bỏ xứ chạy vào Phan Thiết làm thuê, rồi không về, bỏ cả vợ con. Cha tôi lúc 30 tuổi phải đi canh gác ở “Xích hậu”. Có lần nửa đêm lính tuần phủ đến lúc các ông đang ngủ, bị chúng đánh tới tấp, sau đó có trát gửi xuống đòi lên phủ phạt tù mỗi người mười ngày. Mẹ tôi bỏ con cái, vườn tược để lo đem cơm cho chồng. Sau này cha tôi bệnh rồi mất sớm vì gia đình không đủ tiền chạy chữa thuốc men. Cha chết, anh em tôi phải đi làm thuê, bị chủ đánh rất tàn nhẫn, đói cơm, rách áo mà không biết đường nào thoát. Sau này, mẹ tôi thương các con bị hành hạ đưa về ở với nhau, bữa đói bữa no cho qua ngày tháng.

Ông Lê Sĩ Hùng (ngồi) cùng vợ và con cháu trong ngày thượng thọ 90 tuổi năm 2014.

Tháng 8-1945, tuy tuổi đã hơn 20, nhưng do ở Điện Dương chưa có cơ sở cách mạng, lại xa phủ Điện Bàn nên tôi không nắm tin tức gì về khởi nghĩa ở quê. Trong khi đó ở Hội An đã rất sôi động. Vì chỉ cách Hội An chừng 6 km đường đất nên tối ngày 16-8, tôi và mấy anh em nữa xuống Hội An “coi Việt Minh”. 8 giờ tối ngày 17-8-1945, trong khu vực xóm Ngọc Thành, quần chúng được Việt Minh huy động tập trung rất đông. Vào khoảng nửa đêm, đã có hàng ngàn người mang dao gậy ngồi dày đặc chờ lệnh. Tự vệ mang băng đỏ canh gác các ngả ra vào. Đúng 3 giờ sáng ngày 18-8-1945, trống mỏ xóm Ngọc Thành và các khu phố nổi lên. Chúng tôi đi theo đoàn quân khởi nghĩa rầm rập tiến xuống chùa Cầu, đi qua các phố. Một số anh em đập cửa nhà 2 bên kêu gọi đồng bào tham gia biểu tình, khí thế rất hăng. Tự vệ xông vào phá các kho lấy súng phân phát cho lực lượng nòng cốt các công sở.

Tại tòa Tỉnh trưởng, trước khí thế của lực lượng khởi nghĩa, tên Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng sợ hãi giao quyền hành cho Việt Minh. Người của ta nhanh chóng trèo lên cột cờ, giật cờ quẻ ly xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Sau đó là cuộc mít-tinh mừng khởi nghĩa thành công. Đồng chí Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) tuyên bố đánh đổ chính quyền bù nhìn tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Truyền đơn được tung ra khắp nơi kêu gọi đồng bào tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng. Trời sáng dần, đồng bào ở các thôn kéo đến đông nghịt chật cả các đường đi, vui mừng phấn khởi không tả xiết. Về sau, tôi được biết Hội An là một trong 4 tỉnh lỵ giành được chính quyền sớm nhất cả nước.

Ngày 19-8- 1945, một số thanh niên chúng tôi chuẩn bị mỗi người một nắm cơm vắt,  một gói muối mè, cột dao phay hoặc lưới mác lên đầu cây chống cửa làm làm giáo kéo lên Vĩnh Điện cướp chính quyền. Tuy nhiên khi đến nơi thì phủ Điện Bàn đã về tay nhân dân. Chúng tôi theo những người đến trước kéo ra quốc lộ số 1, tỉnh lộ 100 chặt hạ cây hai bên đường để chặn xe lính Nhật. Bị cây ngã chặn lại, bọn chúng xả súng bắn vào những người biểu tình và nhà dân hai bên đường làm nhiều người chết và bị thương. Cũng từ đó, cảm nhận niềm tự hào của người dân một nước độc lập, lớp trai trẻ chúng tôi đã tham gia các lực lượng bảo vệ thành quả cách mạng. Riêng tôi sau này tập kết ra Bắc rồi quay trở lại quê hương hoạt động, làm trưởng ban Tuyên giáo Điện Bàn, Hội An. Hòa bình lập lại, là giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc 4 (nay là Học viện Chính trị, Hành chính Khu vực 3).

Điện Dương, địa phương nghèo nhất Điện Bàn năm nào, nhờ có cách mạng nay đã thay da đổi thịt và đã lên phường, đạt đô thị loại V. Câu “ Điện Dương đất cát phì nhiêu. Gà đi chân dép 4 giờ chiều còn mang” không còn là câu cửa miệng hàm ý chế diễu, trêu chọc của bao người khác xứ mỗi khi nhắc đến Điện Dương mà thay vào đó là sự trầm trồ, ngạc nhiên. Toàn phường không còn nhà tranh tre tạm bợ, ngày càng có nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự... Đường bê-tông theo đến tận xóm thôn, băng qua những đồi cát trắng. 100% số hộ dân có điện thắp sáng. Nhà nào cũng có xe máy, tivi, điện thoại cố định, nhiều nhà đã sắm được ô-tô và các phương tiện sinh hoạt đắt tiền khác, không còn cảnh “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” như thời gian khổ. Phát huy thế mạnh của biển Hà My, phường có nhiều  khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động. Đời sống người dân ngày càng khá giả. Gia đình tôi, lớp cháu nội ngoại đã được học đại học, thạc sĩ, học ở nước ngoài, có công việc ổn định, tôi nghĩ không có gì hơn thế nữa.

Năm 1969, khi từ miền Nam ra thì nghe tin Bác Hồ mất, trong bài thơ “Con học di chúc” tôi đã viết: “Tuổi lên năm cha mất mẹ ốm mòn. Thân côi cút bước vào đời đi ở. Sống đọa đầy trong nhà địa chủ. Cơm đói lòng, áo chẳng đủ che thân. Bác cứu con khỏi cảnh trầm luân...” Bài đã được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm ấy, là kỷ niệm sâu sắc về người con miền Nam với Bác. Hôm nay, nhớ lại những ngày độc lập đầu tiên, là một cán bộ lão thành gần 70  năm tuổi Đảng, tôi vui mừng chứng kiến cuộc đời mới của người dân vùng cát Điện Dương quê tôi, càng thêm biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

HỒNG VÂN

(ghi theo lời kể ông LÊ SĨ HÙNG, Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam)