Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Quốc hội, Chính phủ cần chia sẻ với nông dân

Thứ ba, 12/05/2015 09:12

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-5, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, UBTVQH sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, các vấn đề về công tác tư pháp, xem xét công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Trong ngày làm việc đầu tiên tại Phiên họp thứ 38, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN

Cần giải pháp rõ hơn

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 cho thấy, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.

So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, chỉ có 1 mục tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đặt vấn đề về chỉ tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị thời gian tới Chính phủ cần phải có giải pháp để tăng tỷ lệ qua đào tạo, qua đó tăng chất lượng nguồn nhân lực- vấn đề quan trọng đang đặt ra trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Dẫn những đánh giá trong báo cáo: hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp... nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị Chính phủ cần có sự đánh giá, phân tích cụ thể để làm rõ hơn lý do vì sao trong khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng như báo cáo đã nêu.

Một số ý kiến đánh giá, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Chủ nhiệm Trương Thị Mai đặt vấn đề, đời sống một bộ phận người nông dân rất khó khăn, một số mặt hàng không đi vào thị trường, giá rất thấp nên vừa qua xã hội đã phải chung tay như việc bán dưa, hành tím,... “Quốc hội, Chính phủ cần có tiếng nói như thế nào trong kỳ họp này để chia sẻ với người nông dân và quan trọng là phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa” – bà Trương Thị Mai đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ những băn khoăn về sản xuất nông nghiệp. “Sản xuất ra không tiêu thụ được, có khi thua ngay trên sân nhà. Nhưng giải pháp như thế nào lại chưa rõ. Nếu cứ tư duy thế này thì không chỉ năm nay mà các năm sau nông nghiệp cũng khó khăn. Chúng ta vẫn còn nặng tính bao cấp, sản xuất chưa gắn với thị trường. không thể để người dân sản xuất mà không biết sẽ tiêu thụ thế nào”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển phân tích.

Kiến nghị cơ chế về “đại diện hàng hải”

Ngày 11-5, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức liên quan cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sắp tới.

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần hướng đến tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế về hàng hải, an ninh hàng hải trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM, đề nghị cần có quy định để hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, hội nhập quốc tế, xúc tiến đầu tư hoặc có cơ sở pháp lý để thành lập đại diện hàng hải tại một số quốc gia phát triển về ngành hàng hải hoặc quốc gia mà đội tàu biển Việt Nam hoạt động tập trung. Ngoài ra, để có cơ sở phát triển vững chắc về kinh tế biển, đóng góp vai trò lớn hơn về an ninh hàng hải trong khu vực, cần xây dựng một chương về an ninh hàng hải.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đã có những ý kiến đóng góp xoay quanh các vấn đề “chính quyền cảng”; quy định về đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển; nguồn nhân lực phục vụ cho hàng hải.

M.P

Bố trí bổ sung vốn đối ứng ODA gần 1.700 tỷ đồng

Báo cáo thẩm tra phương án sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2014 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhất trí với phương án của Chính phủ dành và chuyển nguồn sang năm 2015 theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, để thực hiện chính sách tiền lương: 10.000 tỷ đồng. Thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho 3 địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước: 1.612,8 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư trở lại từ số vượt thu tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ cho các địa phương: 208,8 tỷ đồng.

Bổ sung kinh phí xử lý nhu cầu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho 2 ngân hàng chính sách: 6.524 tỷ đồng. Bổ sung thu hồi kinh phí ngân sách trung ương đã ứng chi đảm bảo các nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia: 4.641,2 tỷ đồng. Bổ sung kinh phí mua bù lương thực dự trữ quốc gia đã xuất cấp theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia: 1.170 tỷ đồng.

Đồng thời, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc, khoản hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 4.153,4 tỷ đồng theo cơ chế tài chính đặc thù và không bù hụt thu 33 tỷ đồng cho Hà Nội và TPHCM; bố trí khoản bổ sung kinh phí thực hiện một số chính sách an sinh xã hội (6.340,8 tỷ đồng) giảm 1.000 tỷ đồng xuống còn 5.300 tỷ đồng.

Sau khi thảo luận, cân nhắc điều chỉnh, các thành viên UBTVQH đồng ý bố trí giảm so với phương án Chính phủ trình khoảng gần 1.700 tỷ đồng để bố trí bổ sung vốn đối ứng ODA, đặc biệt là kinh phí giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ thi công một số dự án trọng điểm; bố trí tăng vốn đầu tư sớm hoàn thành cho một số dự án thủy lợi cấp bách phục vụ phòng, chống hạn hán nghiêm trọng ở khu vực Nam Trung Bộ...

Tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng

Thảo luận về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014, đa số các thành viên UBTVQH đánh giá báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 đã nêu khá đầy đủ về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 đã có sự tiến bộ hơn những năm trước, một số lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Năm 2014, cả nước đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của 46.796 dự án hoàn thành, qua thẩm tra đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 2.299 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, cắt giảm được 290 giờ/năm thời gian làm thủ tục về thuế cho người nộp thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, vận hành hệ thống thông quan điện tử. Bộ TN&MT tập trung cải cách giảm các thủ tục hành chính về đất đai, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH nhận thấy bên cạnh kết quả đạt được, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như việc ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật còn chậm. Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định. Các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra khá nhiều và trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn vẫn chưa được xử lý triệt để...

Cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 mà Chính phủ đề ra, các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ cần bổ sung các số liệu, đánh giá cụ thể về kết quả tiết kiệm cũng như những lãng phí đã được phát hiện và xử lý; so sánh với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những năm trước; phân tích nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân còn để xảy ra lãng phí và đề ra giải pháp khắc phục.

Thu Thủy – TTXVN